Hình ảnh sự ra đời của ngôi sao (Nguồn: NASA) |
Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA vừa chụp ảnh được một vụ nổ sinh ra một ngôi sao mới ngay trong dải Ngân Hà.
Trong bức ảnh, ở trung tâm của một đám mây bụi, một ngôi sao mới được sinh ra đang bắn ra hai luồng vật chất sáng rực vào không gian, giống như một lời thông báo với vũ trụ về sự ra đời của nó.
Thiên thể mới này không nằm ở một thiên hà xa xôi nào khác, mà ở ngay trong thiên hà của chúng ta – dải Ngân Hà. Nó nằm bên trong một vùng không gian hỗn độn được gọi là Đám mây phân tử Orion B - nơi các ngôi sao mới vẫn được sinh ra, cách Trái Đất khoảng 1.350 năm ánh sáng.
Khi có một ngôi sao mới hình thành trong những đám mây khổng lồ của những phân tử hydrogen, một số vật chất xung quanh nó bị lực hấp dẫn hút vào, tạo thành một “đĩa” phẳng, xoay tròn xung quanh ngôi sao mới sinh.
Mặc dù sau đó thiên thể mới này sẽ đông cứng lại bên trong “đĩa”, ở giai đoạn ban đầu này các khí gas từ “đĩa” phun ra như mưa xuống ngôi sao. Các vật chất nóng bỏng tràn ra từ ngôi sao và bị bắn ra ngoài theo hướng ngược lại với trục quay của nó.
Một số luồng vật chất nóng bỏng và sáng rực này có thể quan sát được nhờ kính thiên văn. Quan sát của Hubble đã được thực hiện nhờ ánh sáng hồng ngoại, qua đó cho phép các nhà thiên văn học nhìn xuyên qua các đám mây khí và bụi bao bọc quanh ngôi sao mới đang hình thành và có được một hình ảnh khá rõ ràng về đối tượng.
Những ngôi sao trẻ như thế này cũng sẽ là mục tiêu lý tưởng cho kính thiên văn vũ trụ James Webb mà NASA sắp đưa vào hoạt động, với việc quan sát nhờ tia hồng ngoại bước sóng lớn hơn, cho phép nhìn sâu hơn vào đám mây bụi xung quanh ngôi sao mới đang hình thành.