Mô phỏng hình ảnh tiểu hành tinh 16 Pysche. (Nguồn: Daily Star) |
Tiểu hành tinh 16 Psyche nằm trong vành đai tiểu hành tinh lớn giữa sao Hỏa và sao Mộc. Có thể ban đầu nó cũng là một hành tinh nhưng sau bị phá hủy chỉ còn lại kích thước khá nhỏ trong quá trình hình thành Hệ Mặt Trời. Hiện tại 16 Psyche có kích thước chiều rộng chỉ khoảng 200 km.
Theo các nhà khoa học, sở dĩ tiểu hành tinh 16 Psyche có khối lượng kim loại quý khổng lồ là vì đây là phần lõi của một hành tinh sơ khai đã bị mất đi lớp vỏ bên ngoài.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự đoán tiểu hành tinh 16 Psyche có thể giống như phần lõi Trái Đất, chứa đầy kim loại sắt và niken. Do đó, 16 Psyche không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu về sự hình thành của Trái Đất.
Theo đánh giá từ Daily Mail, nếu bằng cách nào đó mà số kim loại này được đưa về Trái Đất, nó có thể làm sụp đổ toàn bộ ngành kinh tế trị giá 73,7 nghìn tỷ USD hiện nay. Số kim loại này sẽ làm giảm giá trị kim loại quý trên Trái Đất, đồng thời phá giá toàn bộ cổ phiếu các công ty tham gia khai thác, phân phối và kinh doanh kim loại, bao gồm của cả chính phủ.
Đến nay, NASA đã hoàn thành xong thiết kế tàu vũ trụ khám phá tiểu hành tinh và bắt đầu chế tạo con tàu. Tên lửa Heavy Falcon của SpaceX sẽ đưa tàu vũ trụ này rời Trái Đất vào tháng 8/2022. Dự kiến tàu vũ trụ sẽ phải mất 4 năm để tới được tiểu hành tinh Psyche, sớm nhất vào năm 2026.
Để tiếp cận 16 Psyche, tàu vũ trụ không người lái của NASA sẽ phải bay đến vành đai thiên thạch, nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tàu vũ trụ NASA sẽ sử dụng thiết bị đo từ tính để đánh giá từ trường của tiểu hành tinh, dùng camera chụp lại ảnh bề mặt tiểu hành tinh.
Tàu vũ trụ sẽ cố gắng thu thập dữ liệu về thành phần kim loại bên trong tiểu hành tinh 16 Psyche. NASA thông báo sứ mệnh sắp tới không bao gồm hạ cánh xuống bề mặt tiểu hành để khoan lấy mẫu, vì ẩn chứa nhiều rủi ro và nhiệm vụ này hoàn toàn phục vụ khoa học.