📞

NATO chỉ đích danh quốc gia là 'mối đe dọa trước mắt', khẳng định phải phối hợp với Trung Quốc vì điều này

Hải An 09:09 | 19/04/2023
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định Trung Quốc sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035, và liên minh quân sự này cần chuẩn bị cho một trật tự thế giới "nguy hiểm và cạnh tranh hơn" trong tương lai.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AP)

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 18 của NATO về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông Stoltenberg nói: "Nga là mối đe dọa trước mắt đối với an ninh của chúng ta. Nhưng bối cảnh an ninh toàn cầu rộng lớn hơn cũng rất đáng lo ngại.

Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân mà không có bất kỳ sự minh bạch nào về khả năng của họ...”.

Tổng thư ký NATO khẳng định: “Về lâu dài, chúng ta cần suy nghĩ lại và điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp với một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. Mà điều đó có nghĩa là phải phối hợp với Trung Quốc, quốc gia theo đánh giá sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035".

Hội nghị trên, kéo dài đến ngày 20/4, dưới sự bảo trợ của NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ. Đại diện cho Washington tại sự kiện này là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.

Theo tuyên bố của NATO, hội nghị "sẽ tạo cơ hội cho các quan chức thảo luận về mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Diễn đàn quy tụ được hơn 150 đại biểu từ khoảng 50 quốc gia tham dự và năm nay lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Mỹ. Dự kiến tất cả các sự kiện ngoại trừ các bài phát biểu chào mừng đều sẽ diễn ra theo hình thức họp kín.

Hôm 18/4, các ngoại trưởng G7 kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu đối thoại với Mỹ về việc giảm thiểu rủi ro chiến lược. Các nước G7 lo ngại việc Bắc Kinh "mở rộng một cách liên tục và tăng tốc kho vũ khí hạt nhân cũng như phát triển các hệ thống mang phóng ngày càng hoàn thiện hơn" mà thiếu sự minh bạch cần thiết.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng, các nước G7 luôn chỉ trích chính sách hạt nhân của các nước khác, trong khi bản thân họ liên tục tác động hệ thống giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế.

(theo TASS, Sputnik)