Tuy nhiên, hành trình không suôn sẻ của Thụy Điển ẩn chứa nhiều vấn đề chiến lược quốc tế.
Chính sách trung lập, không liên kết hay “ô an ninh”?
Thụy Điển duy trì chính sách trung lập, không liên kết, đứng ngoài các liên minh quân sự trong hơn 200 năm, kể từ Thế chiến thứ nhất, thứ hai và thời kỳ chiến tranh Lạnh. Ngày 18/5/2022, gần 3 tháng sau thời điểm xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.
Sự thay đổi này có phần từ cọ xát giữa các đảng phái chính trị trong nước. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất lại đến từ bên ngoài. Trực tiếp là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Đáp trả các hành động của NATO và phương Tây, Moscow tuyên bố rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược, điều chỉnh chiến lược quân sự, trong đó có việc sử dụng đòn giáng trả hạt nhân.
Đối với Moscow, Ukraine là vấn đề an ninh quốc gia, là sự sống còn, cuộc đọ sức giữa Nga với NATO và phương Tây. Nga không có con đường nào khác. Nhưng cũng có học giả cho rằng Nga sa vào cái bẫy do NATO và phương Tây đặt ra!
Bất chấp tranh cãi, truyền thông Mỹ và phương Tây, chiếm thế áp đảo thổi bùng nỗi ám ảnh về “mối đe dọa Nga”, “sau Ukraine là châu Âu”! Vấn đề chọn bên nổi lên trong nghị trường nhiều quốc gia. Trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc, tỷ lệ phản đối Nga chiếm số đông. Nỗi ám ảnh thúc đẩy các chính trị gia ở Stockholm quyết dựa vào “ô an ninh” NATO. Thủ tướng Kristersson tuyên bố: Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự; 26/2 là một ngày lịch sử.
Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, ngày 26/2/2024. (Nguồn: AP) |
Lợi ích quốc gia trên hết
Hành trình gia nhập NATO của Thụy Điển tưởng đơn giản như “cho tay vào túi áo”, lại vướng rào cản. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài lý do một bộ phận người dân Thụy Điển ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK), chống đạo Hồi, đốt kinh Koran, còn những sự đánh đổi khác. Đó là yêu cầu EU nhượng bộ trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bán máy bay chiến đấu cho Istanbul. Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ phần nào được đáp ứng.
Thụy Điển cũng có những thay đổi trong những phê phán trước đó về nền dân chủ của Hungary. Ngày 23/2, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson thăm Hungary, ký kết thỏa thuận bán vũ khí, trong đó có máy bay chiến đấu hiện đại Saab Gripen cho Budapest, đánh dấu bước thay đổi lớn về chính sách an ninh. Các đảng phái chính trị ở Quốc hội Hungary đã vượt qua khác biệt chính sách, bỏ phiếu ủng hộ Thụy Điển với tỷ lệ rất cao (188/194).
Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều đạt được mục đích của mình. Nhưng không chỉ có họ có lợi.
NATO thu lợi lớn
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu lớn thứ ba trong EU, có nển kinh tế và công nghiệp quốc phòng phát triển. Kết nạp Thụy Điển mang lại lợi ích lớn, cả chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự cho NATO.
Một, Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO giúp phương Tây củng cố luận điểm về “mối đe dọa Nga”. Theo họ, việc các nước trung lập, không liên kết lâu đời từ bỏ chính sách, núp vào “ô an ninh” NATO cho thấy xu hướng khó cưỡng. Như vậy, việc tồn tại và phát triển của NATO là cần thiết, phù hợp! Mặt trận bao vây, cô lập Nga sẽ có thêm những thành viên quan trọng.
Hai, với tiềm năng kinh tế, công nghiệp quốc phòng và lực lượng quân sự mạnh, Thụy Điển sẽ gia tăng sức mạnh của NATO, thúc đẩy phổ cập tiêu chí tăng ngân sách quốc phòng các nước thành viên châu Âu lên 2% GDP.
Ba, kết nạp Thụy Điển, Phần Lan, đặt toàn bộ vùng biển hai nước này dưới sự kiểm soát của NATO; mở rộng gấp đôi biên giới giữa liên minh quân sự và Nga, áp sát Sainknt Petersburg và Kaliningrat; hoàn tất thế bố trí, triển khai quân sự ở phía Tây Bắc của Nga, ngăn chặn con đường cơ động của Moscow ra biển Baltic.
“Sự gia nhập của Thụy Điển cũng gửi tín hiệu rõ ràng tới ông Putin rằng cánh cửa của NATO đang mở”. (Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg) |
Nga không ngồi yên, thế giới thấp thỏm
Sự kiện Thụy Điển gia nhập NATO là một thách thức cấp bách nhất của Nga. Cùng với đó, Armenia tuyên bố không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thế (CSTO); đình chỉ trên thực tế, thỏa thuận an ninh với Nga. Một loạt nước phương Tây ký thỏa thuận an ninh với Ukraine. Tình hình thêm phần bất lợi cho Nga và dường như kích thích cuộc xung đột ở Ukraine.
Thụy Điển gia nhập NATO chưa đến mức là “giọt nước tràn ly” trong cuộc đối đầu giữa Nga với NATO, nhưng chắc chắn Moscow sẽ buộc phải đáp trả. Đến thời điểm này, Tổng thống Nga Putin chưa đưa ra tuyên bố nào. Trước đó, ngày 8/2, cựu Tổng thống, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev, cảnh báo một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và NATO sẽ buộc Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai vũ khí hạt nhân. Đây sẽ là “ngày tận thế”!
Các nhà lãnh đạo ngoại giao, quân sự Nga tuyên bố chắc chắn sẽ có bước đi phù hợp. Có thể là điều chỉnh triển khai lực lượng ở hướng Tây Bắc, quanh biển Baltic, trong đó có tên lửa chiến lược nhằm vào các mục tiêu ở các quốc gia thành viên NATO. Nga cũng sẽ có phản ứng ở các khu vực khác; tiếp tục củng cố quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và nhiều nước châu Phi… Việc đáp trả sẽ là một quá trình. Hành động của Nga thường chắc chắn, thận trọng và luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ.
Những động thái nêu trên là những nước đi tạo ra một thế cờ khó lường trong cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa các thế lực. Chắc chắn đối đầu giữa Nga và NATO thêm phần khốc liệt. Xung đột ở Ukraine, Dải Gaza và các khu vực khác càng phức tạp hơn. Nga bày tỏ không muốn gây chiến với NATO. Lãnh đạo NATO cũng nhiều lần nói tránh đối đầu trực diện. Nhưng hành động của NATO vô hình trung là phép thử sức chịu đựng của Nga. Hy vọng các bên kiềm chế tránh “ngày tận thế”.
Phong trào không liên kết vẫn tiếp tục tồn tại, phát huy vai trò, nhưng một số nước thành viên có thể suy nghĩ. Các quốc gia không trực tiếp tham gia vào bên nào, nhưng cũng phải đứng trước nhiều nguy cơ, hậu họa khó lường. Họ trở thành “con tin bất đắc dĩ” trong cuộc đối đầu giữa các thế lực lớn. Hành động, phản ứng thế nào, lựa chọn bên này hay bên kia, can dự hay đứng ngoài, ủng hộ hay phản đối… là quyền của mỗi quốc gia. Nhưng mỗi quyết định có thể là mồi lửa thổi bùng xung đột, chiến tranh. Hãy cân nhắc thận trọng, vì lợi ích quốc gia và hòa bình, ổn định của thế giới và khu vực.