📞

NATO tăng cường sản xuất đạn dược phù hợp với Ukraine, Hy Lạp quyết 'chia tay' vũ khí Nga

Quang Hiếu 07:13 | 26/11/2022
Trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tăng cường sản xuất phụ tùng và đạn dược phù hợp với năng lực của Ukraine, thì Hy Lạp cố gắng thay thế vũ khí Nga bằng vũ khí NATO.
Nhiều đồng minh NATO duy trì năng lực sản xuất vũ khí nhằm hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. (Nguồn: AP)

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, một số đồng minh NATO đang duy trì năng lực sản xuất và có thể tăng cường hoạt động sản xuất phụ tùng và đạn dược kiểu Liên Xô nhằm hỗ trợ Ukraine vì nước này vẫn còn rất nhiều vũ khí từ thời Liên Xô.

"Hoạt động sản xuất đạn dược đã tăng lên. Một phần, các thành viên NATO đã tăng cường sản xuất thiết bị và đạn dược thời Liên Xô, điều này cực kỳ cấp bách và cần thiết, vì Ukraine vẫn còn rất nhiều pháo từ thời Liên Xô. Kiev cần đạn dược và phụ tùng thay thế. Nhiều đồng minh của chúng tôi vẫn duy trì năng lực sản xuất", Tổng Thư ký NATO nói.

Ông Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp vũ khí tiêu chuẩn NATO cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không, để giúp tăng khả năng tương tác giữa quân đội của NATO và Kiev.

Trước đó, Nga đã gửi công hàm phản đối tới các nước NATO về các lô vũ khí cung cấp cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, các nước NATO đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraine. Moscow nêu rõ, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ tác động tiêu cực đến sự thành bại của đàm phán Nga-Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, Hy Lạp sẽ bắt đầu thay thế vũ khí do Nga sản xuất bằng vũ khí của NATO trong vài tuần tới. Đây là gợi ý của Mỹ nhằm giúp Hy Lạp tái vũ trang, bao gồm cả việc từ bỏ các hệ thống S-300 và Tor-M1 của Nga.

Trong một bài phỏng vấn, chuyên gia quân sự Hy Lạp Konstantinos Grivas đánh giá động thái như vậy không chỉ kéo theo chi phí khổng lồ mà còn là "sự tự sát đối với khả năng phòng thủ của nước này".

Chuyên gia Grivas này lưu ý: “Thứ nhất, Mỹ không thể cung cấp cho chúng tôi loại vũ khí gì đó tương tự. Thứ hai, không phải chúng tôi được nhận miễn phí, mà là mua! Tức là chúng ta sẽ vứt bỏ những hệ thống vũ khí quý giá, cực kỳ nguy hiểm đối với đối phương, tạo ra lỗ hổng rất lớn trong khả năng phòng thủ của chính mình”.

Theo vị chuyên gia này, việc tái vũ trang không có ý nghĩa gì đối với đường hướng địa chính trị của Hy Lạp và có thể dẫn đến việc hệ thống phòng thủ của Hy Lạp trước Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị suy yếu.

"Tất cả điều này không chỉ vì lợi ích trong chính sách của Washington mà còn cả của Ankara”, ông nói.

Trong những năm gần đây, nhiều nước thành viên NATO, như Slovakia, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovenia, Bulgaria, cũng có động thái tương tự.

Những nước này đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ của Nga và Liên Xô trước đây và thay thế kho đạn dược của mình bằng hệ thống của Mỹ.

Trong 2-3 năm qua, NATO đã nỗ lực đạt được sự thống nhất và khả năng tương tác của các hệ thống vũ khí của các quốc gia thành viên, loại bỏ hoàn toàn vũ khí Nga.

(theo Sputnik)