Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: Getty Images) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với The Telegraph tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ông Jens Stoltenberg cho biết, các cuộc đàm phán được tiến hành với sự tham vấn của các quốc gia thành viên nhằm minh bạch hóa việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân của NATO như một biện pháp răn đe. Ông nói rõ: "Sự minh bạch giúp truyền tải thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi là một liên minh hạt nhân".
Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định, mục tiêu của liên minh "tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng tôi vẫn sẽ là một liên minh hạt nhân".
Tuần trước, ông Stoltenberg tuyên bố rằng, vũ khí hạt nhân là "bảo đảm an ninh cuối cùng" của NATO và là công cụ để gìn giữ hòa bình.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo cho rằng, vai trò của vũ khí hạt nhân đã và đang trở nên nổi bật hơn trong quan hệ quốc tế ngày nay, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “lùi lại và suy ngẫm” về tình hình này.
Hãng tin AFP dẫn báo cáo thường niên của SIPRI nêu rõ, các nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng vấp phải những trở ngại lớn trong bối cảnh quan hệ quốc tế căng thẳng vì 2 cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.
Báo cáo dẫn lời Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI Wilfred Wan bày tỏ: “Chúng tôi chưa từng thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ Chiến tranh Lạnh”.
SIPRI lưu ý, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - “tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và một số hệ thống vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới hoặc đầu đạn hạt nhân trong năm 2023”.
Viện nghiên cứu này ước tính, tới tháng 1/2024, trong tổng số 12.121 đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, có khoảng 9.585 đầu đạn được niêm cất để có thể sử dụng. Khoảng 2.100 đầu đạn được đặt trong tình trạng “báo động sử dụng cao” trên tên lửa đạn đạo.
Gần như toàn bộ số đầu đạn này đều thuộc về Nga và Mỹ - hai quốc gia nắm giữ gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân, trong khi lần đầu tiên, Trung Quốc được cho là sở hữu một số đầu đạn ở trong tình trạng tương tự.
Giám đốc SIPRI Dan Smith nhận định, xu hướng “vô cùng đáng quan ngại” nêu trên nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và “có thể tăng tốc” trong những năm tới.