Các chuyên gia y tế đang bắt đầu nhận định rằng, viêm phổi do virus corona gây ra có thể trở thành một đại dịch, nhưng ngay lúc này, WHO vẫn chưa công bố đây là đại dịch. |
Virus corona chủng mới là gì?
Virus corona chủng mới (2019-nCoV) là một thành viên của “gia đình” virus corona. Giống như các virus corona khác, 2019-nCoV có nguồn gốc từ động vật. Nhiều người trong số những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện đã thường xuyên làm việc hoặc mua sắm tại chợ hải sản Hoa Nam, Trung Quốc. Đây cũng là chợ đầu mối buôn bán động vật tươi sống hoặc mới giết mổ.
Đã tồn tại các chủng virus corona khác?
Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) và hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) đều do virus corona gây ra và đều bắt nguồn từ động vật. Năm 2002, SARS lây lan và gần như không thể kiểm soát được tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây hoang mang toàn cầu, hơn 8.000 người bị nhiễm, hơn 750 người thiệt mạng. MERS thì dường như ít dễ dàng truyền từ người sang người hơn, nhưng tỷ lệ tử vong lớn hơn, khiến 35% trong số khoảng 2.500 người nhiễm bệnh thiệt mạng.
Các triệu chứng bệnh do 2019-nCoV gây ra là gì?
2019-nCoV gây bệnh viêm phổi. Những người mắc bệnh có triệu chứng ho, sốt và khó thở. Trường hợp bệnh nặng có thể dẫn tới suy nội tạng. Vì đây là viêm phổi do virus nên thuốc kháng sinh không có tác dụng. Tại các bệnh viện, bệnh nhân được điều trị các triệu chứng của bệnh viêm phổi và các cơ quan chức năng khác bị ảnh hưởng bởi viêm phổi. Tiến triển của bệnh sẽ phụ thuộc vào phác đồ điều trị, sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của mỗi người. Quá trình điều trị 2019-nCoV cho thấy, 80% số người tử vong là những người già yếu ở độ tuổi trên 60.
Làm thế nào để bảo vệ bạn khỏi virus corona?
Qua thực tế các ca bệnh tại Trung Quốc, Mỹ, Đức và nhiều nước khác, các nhà khoa học đã xác nhận rằng, 2019-nCoV lây từ người sang người.
Tính đến sáng 5/2, thế giới đã ghi nhận tổng số 24.553 trường hợp, 492 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 2,1%. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc là 229, tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, số người nhiễm 2019-nCoV có thể cao hơn nhiều, vì những người có triệu chứng nhẹ có thể không được phát hiện. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trường Imperial College London dự đoán rằng, có thể có tới 100.000 trường hợp nhiễm virus này.
Bệnh do 2019-nCoV gây ra nguy hiểm hơn cúm thông thường? Tại sao các chuyên gia phải lo lắng như thế?
Hiện giờ, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác 2019-nCoV nguy hiểm như thế nào. Cần nhiều thời gian hơn và nhiều dữ liệu hơn cho các nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ tử vong do nCoV khoảng 2,1% là cao vì nhiều người khác có khả năng đã bị nhiễm virus nhưng không có đầy đủ các triệu chứng đủ mức nghiêm trọng để đến bệnh viện và vì vậy, những người này chưa được thống kê. Để so sánh, bệnh cúm theo mùa thông thường có tỷ lệ tử vong dưới 1% và khiến khoảng 400.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. SARS có tỷ lệ tử vong hơn 10%.
Cho đến hiện nay, mức độ lây nhiễm của 2019-nCoV vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học. Câu trả lời có thể có trong những tuần tới. Điều đáng lo ngại là, 2019-nCoV chưa có vaccine phòng bệnh, điều đó có nghĩa là trẻ em, những người già yếu hay những người có vấn đề về hô hấp hoặc miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Trong tình hình chưa có vaccine, cách phòng 2019-nCoV tốt nhất được WHO khuyến cáo lúc này là rửa tay thường xuyên với nước diệt khuẩn, đeo khẩu trang, tránh đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người mà bạn cảm thấy họ không được khỏe.
Có nên đi khám bệnh nếu bị ho?
Trừ khi gần đây bạn đi du lịch đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với người đã được xác định là nhiễm 2019-nCoV, bạn nên coi bất kỳ triệu chứng ho hoặc cảm lạnh nào là bình thường.
Tổ chức NHS (National Honor Society) của Mỹ khuyến cáo rằng, bạn không cần phải đến gặp bác sĩ để trị ho trừ khi ho kéo dài hoặc bạn đang có các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở hoặc cảm thấy rất không khỏe. Để tránh lây nhiễm chéo, bạn có thể chọn cách thăm khám qua điện thoại hoặc trực tuyến.
Là dịch bệnh hay đại dịch?
Các chuyên gia y tế đang bắt đầu nhận định rằng, viêm phổi do 2019-nCoV gây ra có thể trở thành một đại dịch, nhưng ngay lúc này, WHO vẫn chưa công bố đây là đại dịch.
Một đại dịch, theo định nghĩa của WHO, là sự lây lan của bệnh dịch trên toàn thế giới. Các trường hợp nhiễm 2019-nCoV đã được xác nhận ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc, trong khi danh sách của WHO là 195 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thêm vào đó, cho đến hiện tại, bệnh cũng không lan rộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Cho đến nay, phần lớn trường hợp nhiễm bệnh là người Trung Quốc.
Có nên hoảng loạn?
Không. Sự lây lan của virus bên ngoài Trung Quốc là đáng lo ngại nhưng không phải là một sự phát triển bất ngờ. WHO đã tuyên bố bệnh dịch là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng chưa phải là đại dịch. Vấn đề chính là cần kiểm soát mức độ lây lan nCoV từ người sang người.
Trong tình trạng hiện nay, các bác sĩ và nhân viên y tế, người già yếu và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất trong cộng đồng.
| Đi tìm sự thật về cơ chế lây nhiễm của virus corona TGVN. Đại dịch đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Hàng chục ngàn người lây ... |
| Cập nhật chiều 4/2: 20.632 ca nhiễm virus corona, Bỉ có bệnh nhân đầu tiên, Trung Quốc thử thuốc mới của Nga TGVN. Ngày 4/2, Bộ trưởng Y tế Bỉ Maggie De Block cho biết, một người Bỉ hồi hương từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ ... |
| Virus corona: Bệnh nhân Li Zichao đã xuất viện, nữ lễ tân ở Khánh Hòa xét nghiệm âm tính TGVN. Việc 3 bệnh nhân được chữa khỏi là một tín hiệu tích cực trong việc điều trị thành công cho người bệnh nhiễm virus corona. |