Nhỏ Bình thường Lớn

Nên phanh "lạm phát điểm thi"

Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo dự kiến áp dụng thang điểm 20 để chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ năm 2015 đã gây nên làn sóng tranh cãi về việc nên hay không nên áp dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, khi thời gian diễn ra kỳ thi đang vào giai đoạn nước rút thì không những học sinh mà nhiều giáo viên cũng tỏ ra hoang mang về tính tích cực của việc thay đổi này.
nen phanh lam phat diem thi
Cải cách giáo dục? (Ảnh minh họa: The Pacific Chronicle)

 

Theo dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra lấy ý kiến, bài thi tự luận sẽ được chấm theo thang điểm 20, các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn điểm từng bài thi. Bài thi trắc nghiệm chấm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang 20 điểm (điểm lẻ đến 0,25).

Trong một cuộc họp báo vào đầu năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo từng công bố về một số thay đổi của kỳ thi này, trong đó có việc thay đổi thành thang điểm 20 nhằm "giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường. Tuy nhiên, cho đến nay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 đã cận kề, cả học sinh và giáo viên đều chưa nắm được việc thay đổi thang điểm này sẽ dẫn đến việc thay đổi cấu trúc bài thi như thế nào.

Nhiều nhà giáo uy tín và các chuyên gia về giáo dục đã lên tiếng về sự thay đổi này và cho rằng việc thay đổi thang điểm là không cần thiết và không giúp cải thiện chất lượng giáo dục. Bản chất của thang điểm 10 và 20 không có nhiều khác biệt, chỉ là nhân hệ số 2 điểm các môn thi. Trong khi đó, vấn đề của nền giáo dục Việt Nam là chất lượng giáo dục (gồm phương pháp, chính sách đào tạo, chống tiêu cực, bệnh thành tích...) chứ không phải là việc thay đổi hình thức thi cử hay chuyển đổi thang điểm.

Chính vì tính thiếu thực tế của sự thay đổi này mà việc thay đổi từ thang điểm 10 thành thang điểm 20 được ví von là một hình thức "lạm phát điểm thi". Tại sao ở nhiều nước phát triển, họ áp dụng thang điểm 5 nhưng vẫn có độ phân hóa cao trong việc đánh giá học sinh? Mặt khác, hai tiếng "điểm 10" đã trở thành một điều gì đó rất đỗi tự hào, thiêng liêng, truyền thống trong dạy và học ở Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với nền giáo dục Việt Nam? Bất cứ sự thay đổi nào về chính sách quốc gia đều có ảnh hưởng đến tất cả mọi công dân của đất nước. Đặc biệt, sự thay đổi trong chính sách giáo dục có ảnh hưởng không chỉ trong hiện tại mà cả những thế hệ tương lai. Mong rằng, những nhà làm chính sách giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng về LỢI và HẠI trong việc thay đổi chính sách của mình. Nếu thấy thay đổi chỉ làm khó cho công tác quản lý, cho giáo viên, cho các em học sinh và cho cả chính mình thì đó là điều không nên làm.

Cát Phương (Ninh Bình)