📞

Neom: Siêu thành phố định hình tương lai của Saudi Arabia

Thanh Hiền 08:00 | 03/10/2021
Dự án siêu thành phố Neom là tiêu điểm trong chiến lược của Saudi Arabia nhằm chuyển mình thành trung tâm công nghệ mới trong khu vực và trên thế giới.
Tầm nhìn về siêu thành phố Neom của Saudi Arabia. (Nguồn: Getty Images)

Saudi Arabia, quốc gia có diện tích và dân số lớn nhất Bán đảo Arab, từ lâu được biết đến là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Kể từ khi được phát hiện cuối những năm 30 thế kỷ trước, dòng “vàng đen” dồi dào đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng một Saudi Arabia thịnh vượng.

Tuy nhiên, nhận thức rõ sự thay đổi trong ngành khai thác dầu toàn cầu, từ biến động mạnh về giá, nhu cầu tiêu thụ giảm, hệ quả môi trường tới sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo khác, lãnh đạo Saudi Arabia đã và đang thực hiện nhiều kế hoạch đa dạng kinh tế, qua đó giảm phụ thuộc vào công nghiệp dầu mỏ.

Trong bối cảnh đó, tháng 4/2016, khi còn là Phó Hoàng thái tử, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman đã công bố Kế hoạch Tầm nhìn 2030, hướng tới xây dựng “xã hội năng động”, “nền kinh tế thịnh vượng” và “quốc gia đầy tham vọng”.

Mục tiêu của chiến lược này là xây dựng hình ảnh Saudi Arabia như một trung tâm công nghệ mới của khu vực và thế giới, thay vì nhà xuất khẩu dầu thô như trước. Dự án Siêu thành phố Neom là biểu tượng cho tầm nhìn và hoài bão đó.

Vị trí siêu dự án Neom (Nguồn: AlBawaba)

Định hình lại đô thị

Với cái tên được ghép giữa từ neos (nghĩa là mới) tiếng Hy Lạp và từ mustaqbal (nghĩa là tương lai) tiếng Arab, Neom nằm tại duyên hải sa mạc cằn cỗi bên bờ Biển Đỏ và vịnh Aqaba, nơi có các tuyến thương mại hàng hải qua kênh đào Suez, tiếp giáp Ai Cập và Jordan. Vị trí chiến lược của Neom sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực như một trung tâm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.

Thành phố Neom tương lai sẽ có 16 quận, tổng diện tích 26.500 km2, gấp 33 lần New York (Mỹ), 37 lần Singapore và dự kiến sẽ là nơi sinh sống, làm việc của hàng chục triệu công dân toàn thế giới. Với mức đầu tư lên tới 500 tỷ USD và dự kiến hoàn thành năm 2025, Neom được kỳ vọng có thể “soán ngôi” Thung lũng Silicon về công nghệ, Hollywood trong giải trí và French Riviera về nghỉ dưỡng.

Trong bối cảnh con người đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số… Neom sẽ định hình lại quan niệm về đô thị và đưa ra tầm nhìn mới về cuộc sống tương lai.

Hãy thử hình dung sơ lược về cuộc sống tại Neom trong tương lai. Thay vì sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển hàng ngày, cư dân sẽ ngồi trong những chiếc taxi bay không người lái đến nơi làm việc, phó mặc việc dọn dẹp ở nhà cho người máy.

Tất cả dịch vụ giao thông, nhà hàng, hậu cần… sẽ do người máy đảm nhiệm, vận hành bằng năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió hay thậm chí sóng biển. Neom sẽ là thành phố trung tính carbon, khí thải ác mộng của nhiều nước công nghiệp khác.

Mô hình taxi bay, loại phương tiện vận tải dự kiến sẽ trở nên thông dụng tại siêu thành phố Neom - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thành phố của tương lai

Neom là một phần của Kế hoạch Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng để đưa Saudi Arabia lên tầm cao mới, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và xây dựng quốc gia này thành một trung tâm công nghệ khu vực và thế giới.

Với địa hình sa mạc khô hạn, Neom được cho là sẽ áp dụng “công nghệ gieo hạt” trên nền mây để tạo mây, cung cấp lượng mưa nhiều hơn, từng bước góp phần cải tạo đất đai và xây dựng hệ thực vật màu mỡ, phong phú hơn trước cho khu vực.

Saudi Arabia cũng kỳ vọng rằng Neom sẽ định hình tương lai nhiều lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống như giáo dục, năng lượng, giải trí, văn hóa, dịch vụ tài chính, thực phẩm, y tế và công nghệ sinh học, sản xuất, truyền thông, giao thông…

Tuy nhiên, The Line, dự án vừa được công bố năm 2021, mới là át chủ bài của Neom. Là thành phố thẳng tắp kéo dài 170 km nối các tiểu khu của Neom với nhau, The Line sẽ hiện thực hóa mọi kỳ vọng công nghệ viễn tưởng của nơi đây.

Trí tuệ nhân tạo sẽ học hỏi và dự báo hành vi của con người, làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với người dân, doanh nghiệp hay du khách. Nếu các mô hình thành phố thông minh hiện nay chỉ sử dụng 1% dữ liệu thu thập, Neom dự kiến sử dụng đến 90% thông tin của cư dân để phục vụ các nhu cầu nhỏ nhất của chính họ.

Thành phố được bố trí thành ba tầng: Bề mặt với nhiều công viên và không gian mở, vắng bóng đường phố, ô tô. Tại đây, cư dân chủ yếu tản bộ hoặc đi xe đạp, vừa nâng cao thể chất, vừa tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng mát.

Hai lớp còn lại dưới lòng đất dành cho hoạt động dịch vụ và giao thông huyết mạch, với các hệ thống trung chuyển “siêu cao tốc”. Người dân chỉ cần đi bộ 5 phút từ một điểm trên đường thẳng là có thể tiếp cận toàn bộ dịch vụ hàng ngày. Di chuyển giữa các điểm xa nhất trên tuyến cao tốc sẽ không tốn quá 20 phút.

Neom cũng sẽ phát triển hệ thống taxi không người lái, công viên kỷ Jura với khủng long robot và loạt nhà hàng đạt chuẩn Michelin. Thành phố sẽ được vận hành bởi 100% năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo dựa vào năng lượng tái tạo, với công nghệ xanh biến nước thành oxy và hydro.

Kết cấu ba lớp dự kiến của thành phố The Line. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Hiện thực hóa giấc mơ

Tới nay, dáng dấp một siêu thành phố công nghệ tương lai đã dần hình thành trên khu vực sa mạc cằn cỗi của Saudi Arabia. Sân bay Neom đã gần hoàn thiện, và chính thức nằm trong danh sách sân bay quốc tế của thế giới. Chính phủ Saudi Arabia đã và đang tổ chức nhiều sự kiện chính trị, cùng các hoạt động ngoài trời tại khu vực này để thu hút đầu tư, cũng như sự chú ý của thế giới với nơi đây.

Người khởi xướng Kế hoạch Tầm nhìn 2030 táo bạo, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman kỳ vọng rằng Neom, với trọng tâm sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, sẽ giúp nền kinh tế Saudi Arabia giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngoài ra, thành phố này còn là hình mẫu hợp lý cho các khoản đầu tư trong nước, cũng như nơi thu hút và thử nghiệm các mô hình công nghệ hiện đại nhất thế giới.

Mặc dù vậy, không ít người hoài nghi về tính khả thi của The Line nói riêng và Neom nói chung khi nhiều công nghệ được sử dụng trong siêu dự án này vẫn chưa phát triển đầy đủ. Chẳng hạn, công nghệ Hyperloop phục vụ tuyến cao tốc trung chuyển của The Line dự kiến cần hàng chục năm nữa để hiện thực hóa.

Song điều đó không thể cản bước Saudi Arabia thúc đẩy siêu dự án đầy tham vọng này, chứng minh rằng mọi ước mơ của con người đều có thể thành hiện thực.