📞

Nepal tăng cường xuất khẩu và giảm nhập khẩu

14:20 | 31/12/2018
Chính phủ Nepal vừa quyết định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu để đối phó với thách thức “kép” về thâm hụt thương mại ngày một tăng và dự trữ ngoại hối suy giảm.  

Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal trước đó đã công bố bộ hướng dẫn mới về các gói kích thích xuất khẩu, trong đó có ưu đãi về tiền mặt lên tới 3% và 5% lần lượt đối với khối lượng hàng hóa xuất khẩu có ít nhất 30% và 50% giá trị gia tăng. Trước đó, Chính phủ Nepal cũng đã cấp khoản ưu đãi tiền mặt 2% giá trị xuất khẩu.

Kinh tế Nepal đang gặp phải nhiều khó khăn. (Nguồn: CNN)

Sự khác biệt đáng chú ý trong bộ hướng dẫn mới là Chính phủ Nepal đã đưa ra nhiều hình thức ưu đãi bằng tiền mặt cho các sản phẩm được xuất sang Ấn Độ. Điều này phù hợp với mong muốn của các chuyên gia thương mại, những người từ lâu đã đề nghị Chính phủ Nepal thực hiện ưu đãi xuất khẩu sang Ấn Độ vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Bộ Tài chính Nepal trước đó đã thành lập một đội công tác đặc biệt để xác định những mặt hàng góp phần gây ra tình trạng “chảy máu” ngoại tệ, nhằm  đưa ra các biện pháp cần thiết với mục tiêu ngăn chặn nhập khẩu các hàng hóa không cần thiết. Theo Ngân hàng Trung ương Nepal (NRB), động thái mới nhất của Chính phủ Nepal được đưa ra giữa lúc nước này đối mặt với khoản thâm hụt thương mại 4,05 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm tài chính hiện tại (bắt đầu từ giữa tháng 7/2018). Con số này tăng 37,8% so với cùng kỳ năm tài chính trước. Các số liệu của NRB cũng cho thấy dự trữ ngoại hối của Nepal giảm 6,5%, xuống còn 9,43 tỷ USD, bất chấp việc NRB đã áp dụng chính sách duy trì dự trữ ngoại hối trong ít nhất tám tháng qua. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối cạn kiệt, NRB tháng trước đã giảm hạn mức ngoại hối bán cho công dân đi đến các quốc gia khác ngoài Ấn Độ xuống còn 1.500 USD, từ 2.500 USD trước đó. Nhà kinh tế cấp cao Keshav Acharya cho rằng Chính phủ Nepal cần thực hiện các biện pháp hà khắc hơn để kiểm soát hoạt động nhập khẩu các phương tiện tư nhân và sản phẩm nông nghiệp mà nước này có tiềm năng sản xuất nội địa. Trong những năm gần đây, Nepal lệ thuộc nhiều vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.

(theo Tân Hoa xã)