📞

Nepal vật lộn với lũ lụt và lở đất nghiêm trọng trên diện rộng

Kha Ninh 18:43 | 01/10/2024
Mưa lớn gây lũ lụt, lở đất dữ dội chưa từng thấy tại Nepal khiến gần 200 người thiệt mạng, hàng nghìn người đã phải di dời và hàng trăm hộ gia đình không có điện và nước uống.

Theo CNN, những trận mưa xối xả liên miên, mực nước các con sông lớn dâng cao vượt mức nguy hiểm khiến hầu hết miền Nam Kathmandu và các thành phố lân cận ở Nepal chìm trong biển nước hoặc bị chôn vùi trong lớp bùn dày. Trong ảnh: Những ngôi nhà bị hư hại sau trận lũ dọc bờ sông Roshi tại Panauti ở Kavre, Nepal, ngày 30/9. (Nguồn: Reuters)

Nhiều khu vực ở Kathmandu đã bị ngập nước sau trận mưa lớn nhất trong hai thập niên vào cuối tuần qua, cuốn trôi toàn bộ các khu phố, cầu và đường. Mưa lớn đã khiến mực nước sông Bagmati, chảy qua thành phố, dâng cao hơn 2 mét so với mức an toàn. (Nguồn: Reuters)

Lũ lụt và lở đất cũng phá hủy hàng trăm ngôi nhà, làm hư hại tuyến đường cao tốc và đứt đường dây điện. Thiên tai xảy ra chỉ vài tháng sau khi đất nước này từng ghi nhận lượng mưa kỷ lục gây chết người và lũ quét. Cơ quan thời tiết Kathmandu cho rằng, những trận mưa lớn là do hệ thống áp suất thấp ở vịnh Bengal trải dài trên một số vùng của Ấn Độ lân cận Nepal. (Nguồn: Reuters)

Các đội tìm kiếm và cứu hộ đã phải vật lộn để tiếp cận những cư dân bị chôn vùi dưới nhà hoặc bị mắc kẹt do lũ lụt ở những vùng xa xôi. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ đưa người dân khỏi vùng lũ tại Kathmandu. (Nguồn: Reuters)

Đến chiều 30/9 (theo giờ địa phương), 204 thi thể đã được tìm thấy và ít nhất 30 người vẫn còn mắc kẹt hoặc mất tích, trong khi hàng trăm người khác bị thương. Hàng chục người đã thiệt mạng trên những chiếc xe bus bị cuốn trôi khi các xa lộ bị nhấn chìm bởi dòng nước lũ dâng cao. Trong ảnh: Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ lở đất chôn vùi nhiều xe cộ và hành khách đang lưu thông trên đường cao tốc Tribhuvan ở Dhading, Nepal vào ngày 29/9. (Nguồn: Reuters)

Ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, quân đội Nepal sử dụng đường trượt zipline dài để băng qua sông ngập lụt, trong khi ở các nơi khác, đội cứu hộ thậm chí đã đào đất bằng tay để giải cứu cư dân bị chôn vùi dưới bùn và đống đổ nát. Họ cũng sử dụng thuyền và trực thăng để tiếp cận những người mắc kẹt trên nóc nhà. Trong ảnh: Quân đội Nepal giải cứu những người bị mắc kẹt bằng đường trượt zipline trên một con sông ngập lụt ở Lalitpur, Nepal, ngày 28/9. (Nguồn: Getty Images)

Giới chức Nepal ngày 29/9 cho hay, nhiều trường học buộc phải đóng cửa khi lũ lụt và lở đất xảy ra sau 2 ngày mưa lớn. Lũ lụt đã làm tê liệt giao thông và các hoạt động thường ngày ở thung lũng Kathmandu, nơi có 4 triệu người dân sinh sống. (Nguồn: AFP)

Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót và dọn dẹp đống đổ nát. Hơn 4.000 người đã được cứu bằng trực thăng, thuyền máy và bè. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang mắc kẹt trên các đường cao tốc bị chặn bởi đất đá. Trong ảnh: Người dân dọn dẹp bùn đất và rác thải trên đường phố ở Kathmandu. (Nguồn: AFP)

Hàng nghìn người đã phải di dời, hàng trăm hộ gia đình không có điện và nước uống. Thiệt hại về đường sá quá lớn, hiện tất cả các tuyến đường chính ra khỏi Kathmandu vẫn bị chặn và các trường học ở thủ đô Nepal phải đóng cửa trong 3 ngày tiếp theo. Trong ảnh: Chiếc xe bị hư hỏng tại một khu chợ ở Kathmandu. (Nguồn: AFP)

Lũ lụt và thiệt hại do lở đất cũng đang ảnh hưởng đến nhiều vùng miền Trung và miền Đông Nepal. Hãng Reuters đưa tin, một số khu vực của thủ đô đã báo cáo lượng mưa lên tới 322,2 mm, đẩy mực nước của sông Bagmati chính lên cao hơn 2,2 mét so với mức nguy hiểm. (Nguồn: AFP)

Tổ chức CARE Nepal cho biết, nhu cầu cấp thiết hiện nay là nước uống sạch và nhà ở tạm thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các khu định cư không chính thức. Lũ lụt cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực cho thủ đô khi các đường cao tốc bị chặn. Theo các thương nhân, nguồn cung trái cây và rau quả tươi đã giảm mạnh. Trong ảnh: Người dân cố gắng vớt lương thực trong lũ tại Kathmandu. (Nguồn: AFP)

Theo Cục Khí tượng Nepal, lượng mưa đo được tại sân bay Kathmandu đạt kỷ lục 240mm trong 24 giờ, cao nhất kể từ năm 2002. Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu và đô thị hóa thiếu quy hoạch đã làm trầm trọng thêm tác động của thảm họa này. Trong ảnh: Người phụ nữ mang theo một chiếc ghế đi dọc theo một con phố lầy lội bị ngập lụt do nước sông Bagmati tràn bờ sau những trận mưa lớn ở Kathmandu, Nepal, vào ngày 29/9. (Nguồn: Reuters)

Theo AP, ngày 29/9, mưa đã giảm bớt ở một số khu vực, người dân bắt đầu dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, thành phố Kathmandu vẫn bị cô lập bởi tình trạng lở đất nghiêm trọng xảy ra. (Nguồn: Reuters)

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt ở quy mô này ở Kathmandu”, theo chuyên gia Arun Bhakta Shrestha về rủi ro môi trường tại Trung tâm Phát triển núi tích hợp quốc tế (ICIMOD), một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Nepal gồm các nước thành viên Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Pakistan và Nepal, cho biết. (Nguồn: AFP)

ICIMOD kêu gọi chính phủ và các nhà quy hoạch Kathmandu cần tăng cường đầu tư và lập kế hoạch cho cơ sở hạ tầng, như hệ thống thoát nước mưa và nước thải ngầm. (Nguồn: Reuters)

Nam Á, nơi sinh sống của khoảng 1/4 dân số thế giới, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra cũng như sự gia tăng của thời tiết khắc nghiệt. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, châu Á sẽ dễ bị tổn thương hơn trước diễn biến các trận mưa cực lớn và lũ lụt vào năm 2030. (Nguồn: Reuters)

(tổng hợp)