Các nhà đầu tư lo lắng tập đoàn Evergrande của Trung Quốc có thể sụp đổ với khoản nợ khoảng 400 tỷ USD. (Nguồn: ABC) |
Theo bài viết xuất bản ngày 7/10 của tác giả David Taylor trên tờ ABC của Australia, các thị trường tài chính vẫn lo sợ về tương lai của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande, mặc dù trọng tâm đã thay đổi.
Cuối tháng trước, có nhiều quan ngại rằng nền kinh tế toàn cầu có thể bước vào một cuộc khủng hoảng nợ do sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc này.
Tình huống đặt ra là nếu Evergrande sụp đổ, các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, tạo ra một cuộc khủng hoảng tín dụng tại Trung Quốc, đe dọa tràn sang cả châu Âu và Mỹ.
Và giới chuyên gia cũng đã đặt ra câu hỏi về “sức khỏe” của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Australia, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một câu hỏi quan trọng khác cũng được nhắc tới, đó là: Làm thế nào Australia có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ mà không dựa vào thương mại với Trung Quốc?
Sẽ có khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande bắt đầu bùng phát vào đầu năm nay, khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu một số nhà phát triển bất động sản lớn kiềm chế các khoản nợ của họ.
Tin liên quan |
Trung Quốc-Australia căng thẳng với ‘cuộc chiến thịt bò’, Mỹ thành ‘ngư ông đắc lợi’ |
Các tập đoàn được thông báo rằng nếu họ không đáp ứng một, hai hoặc cả ba "ranh giới đỏ" về nợ, chính quyền sẽ đặt ra các giới hạn về mức độ nợ của các doanh nghiệp.
Cuộc khủng hoảng chuyển sang giai đoạn cuối vào tháng trước khi Evergrande không thể trả được một số khoản nợ. Các thị trường tài chính toàn cầu thấy rõ rằng Evergrande đã dựa quá nhiều vào nợ để tăng trưởng.
Người ra lo sợ rằng nếu Evergrande vỡ nợ, trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến việc giá bất động sản giảm, các nhà đầu tư và khách hàng tháo chạy khỏi thị trường. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc vào thị trường bất động sản để tăng trưởng, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để bảo vệ người mua nhà và nhà đầu tư. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng ngân hàng cấp địa phương nào.
Nhưng “các xúc tu nợ” của Evergande sẽ ảnh hưởng tới thị trường các nước ra sao?
Chuyên gia David Qu của Bloomberg, người theo dõi sát các diễn biến của Evergrande nhận định, có rất ít khả năng về sự sụp đổ của Evergrande sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Qu nói: “Sự tiếp xúc của các nhà đầu tư nước ngoài với Evergrande bị hạn chế”.
Gia tăng khủng hoảng kinh tế trong nước?
Nếu cho rằng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, thì bước tiếp theo là xem xét mối đe dọa đang diễn ra của một cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước (bất chấp những đề xuất về hỗ trợ tài chính của chính phủ).
Reuters tuần này đưa tin, hai đại lý bán nhà tại Hong Kong (Trung Quốc) đang kiện Evergrande về các khoản hoa hồng chưa thanh toán.
Theo đó, đại lý Centaline đang cố gắng thu khoản tiền 3,1 triệu HKD tiền hoa hồng quá hạn, trong khi Midland Holdings, đang yêu cầu Evergrande trả khoản hoa hồng lên tới 43,45 triệu HKD.
Hiện tại, các chuyên gia chỉ ra rằng, Evergrande không thể thanh toán các khoản nợ, và các hóa đơn ngày một chồng chất. Đây là những tín hiệu cho thấy có khả năng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang nhìn xuống vực thẳm.
Ông David Qu nói: “Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua của Trung Quốc.
Nếu có điều gì đó xảy ra với Evergrande, niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ bị suy yếu".
Cổ phiếu của Evergrande tạm dừng giao dịch tại Hong Kong (Trung Quốc). (Nguồn: Tico Trader) |
Hiệu ứng dominos?
Theo giới chuyên gia, sự sụp đổ của Evergrande sẽ gây ra những cơn chấn động tài chính trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Nhiều nhà phát triển bất động sản sụp đổ có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn quốc.
Ngày 4/10, công ty phát triển bất động sản Fantasia Holdings có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết họ đã không trả được khoản tiền 205,7 triệu USD.
Thông tin được đưa ra khi công ty quản lý bất động sản Country Garden Services Holdings cho hay, một đơn vị của Fantasia đã không trả được khoản vay 700 triệu NDT (108 triệu USD), nhận định rằng nhiều khả năng Fantasia sẽ vỡ nợ.
Các vấn đề về dòng tiền của Fantasia làm tăng thêm nỗi lo về việc nguy cơ khủng hoảng của toàn ngành bất động sản có thể gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tăng trưởng chậm lại.
Nhưng ở hiện tại, tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ này là Evergrande lại có vẻ đang ổn.
Đầu tuần này, cổ phiếu của công ty đã bị tạm dừng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong, trong khi chờ thông báo về "một giao dịch lớn".
Đồng thời, công ty bất động sản Hong Kong Hopson Development Holdings cũng tạm dừng giao dịch trên một sàn chứng khoán khác vì lý do tương tự.
Một số nguồn thạo tin cho biết Hopson Development Holdings đã lên kế hoạch mua 51% cổ phần trong chi nhánh dịch vụ bất động sản của Evergrande.
Thương vụ này có thể sẽ mang về cho Evergrande khoảng 5 tỷ USD tiền mặt - về mặt lý thuyết sẽ giúp trang trải các khoản thanh toán trái phiếu quốc tế trong 6 tháng tới.
Vào cuối năm nay, Evergrande phải thanh toán số nợ trái phiếu lên đến 500 triệu USD, tiếp theo là kỳ hạn trái phiếu trị giá 2 tỷ USD vào tháng 3/2022.
Nhìn chung, Evergrande đang gánh khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, vì vậy, thương vụ mua bán trên cũng chưa thể giải quyết vấn đề tài chính của tập đoàn này.
Bà Yun Jiang tại Trường Quản lý và Quản trị toàn cầu thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định, chính quyền Bắc Kinh vẫn đang tranh luận về việc có nên để Evergrande sụp đổ hay không.
Chuyên gia Jiang nói: “Chúng tôi biết chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào khoản nợ ban đầu và không muốn các công ty tiếp tục nợ nần chồng chất.
Các công ty và nhà đầu tư khác sẽ nghĩ rằng một số công ty quá lớn để thất bại".
Hãy chờ đợi!
Hiện tại, chúng ta sẽ phải chờ thông báo của công ty Evergrande, hoặc tin tức về một số phát triển khác từ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
Trung Quốc vừa thúc kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 7 ngày và cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ các nhà quản lý về Evergrande.
Hôm 6/10, Ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tài chính hợp tác với các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương để duy trì sự phát triển "ổn định và lành mạnh" của thị trường bất động sản, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc hành động "có trách nhiệm" khi giải quyết các tác động tiềm tàng của cuộc khủng hoảng tài chính Evergrande.
Theo các nhà phân tích, chìa khóa cho Evergrande là bắt đầu xây dựng dự án và bán hàng tồn kho, để doanh nghiệp có thể bắt đầu thanh toán các khoản nợ.
Nhưng nếu Evergrande không thể làm được điều này thì sao?
Có vẻ như cách Bắc Kinh quản lý “tai ương” tài chính Evergrande có tác động khá lớn tới Canberra. (Nguồn: Getty Images) |
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và nguồn thu ngân sách của Canberra (thông qua xuất khẩu quặng sắt và nhiều mặt hàng khác) phụ thuộc khá lớn vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Có vẻ như cách Bắc Kinh quản lý “tai ương” tài chính Evergrande có tác động khá lớn tới Canberra, và các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để nói rằng mọi việc sẽ ổn.
Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc đối với sản phẩm thép từ Australia có vẻ vẫn là một điểm sáng.
Chuyên gia David Qu nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhu cầu về thép, vì vậy, trong thời gian này, tôi nghĩ rằng, vẫn có một số áp lực để Australia giảm giá quặng sắt. Thành thật mà nói, rất khó để ước tính tác động là bao nhiêu".
Trong Tuyên bố Chính sách tiền tệ tháng 10, Ngân hàng Dự trữ Australia đã không đề cập Trung Quốc hoặc Evergrande.
Ông Qu đặt câu hỏi: “Điều đó có nghĩa là Evergrande không đáng được nhắc đến, hay đây là một vấn đề quá tế nhị để nêu ra?”.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (1-7/10): Mỹ sớm hồi phục, Nga tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, EU không thiếu khí đốt, Trung Quốc đón tin kém vui Mỹ sẽ sớm hồi phục, Nga tăng trưởng nhanh nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Washington, EU có đủ khí đốt ... |
| Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên kinh tế thế giới Những ngày qua, tình trạng thiếu năng lượng tại Trung Quốc, Anh và giá khí đốt tăng cao ở một số nước châu Âu đã ... |