📞

Nếu chiến thắng, ông Trump cũng không thể thay đổi chính sách tại châu Á

13:16 | 09/11/2016
Giáo sư Gerald Curtis, thuộc trường Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời là nhà quan sát tình hình Nhật Bản khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn The Nikkei Asian Review vào đầu tuần qua.
Giáo sư Gerald Curtis. (Nguồn: AP)

Ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt trong quan điểm chính sách của ông Trump và bà Clinton về châu Á?

Một cách tổng thể, nếu thắng cử, bà Clinton sẽ tiếp tục chính sách “xoay trục” của Mỹ về châu Á, mặc dù bà cũng có những điều chỉnh nhất định. Những người giúp bà Clinton trong chính sách về châu Á có thể chính là những cộng sự khi bà là Ngoại trưởng.

Còn đối với ông Trump, tôi khó có thể đoán định bởi có lẽ chính ông ta cũng không hiểu chính mình. Ông Trump không có riêng một chính sách châu Á và ông cũng không có hiểu biết sâu rộng về khu vực. Do vậy, nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump nghĩ rằng mình phải tạo ra nhiều thay đổi nhưng thay đổi như thế nào trong quan hệ với châu Á thì ông ấy không có bất cứ ý tưởng nào.

Tôi cho rằng, nếu ông ấy đắc cử, trong giai đoạn đầu, mọi người không nên quá suy nghĩ về những gì ông ấy phát biểu bởi vì phải mất ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn nữa, ông ấy mới có thể củng cố được đội ngũ nhân sự và bắt đầu học cách điều hành nước Mỹ.

Ông Trump sẽ tiếp tục chính sách với Nhật Bản như thế nào nếu đắc cử?

Tôi không loại bỏ khả năng ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ cũng như không đánh giá thấp chính sách đối ngoại, kể cả với châu Á nếu ông ấy trở thành Tổng thống. Có một điều mà các nước châu Á nên lưu ý để cảm thấy an tâm hơn nếu ông Trump làm chủ Nhà Trắng, đó là những lợi ích cốt lõi của nước Mỹ, dù ứng cử viên nào chiến thắng, về căn bản không thay đổi.

Mỹ vẫn cần phải duy trì quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế đối với khu vực châu Á. Ông Trump sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để hủy bỏ Hiệp ước An ninh song phương với Nhật Bản. Ngược lại, ông ấy sẽ sớm nhận ra rằng Mỹ phải thúc đẩy quan hệ đồng minh với Nhật Bản để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây. Ông cũng có thể sẽ kéo Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) vào nhiều nhiệm vụ nguy hiểm.

Ứng cử viên Donald Trump có nhiều khả năng trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. (Nguồn: CNN)

Ông có cho rằng dù ai chiến thắng thì cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã làm uy tín của Mỹ bị thiệt hại trên trường quốc tế?

Một người không đủ năng lực để làm Tổng thống như ông Trump lại có thể chiến thắng trong cuộc đua này.

Có hai thực tế lý giải cho điều tưởng như vô lý đó. Thứ nhất, hiện có quá nhiều người Mỹ lo lắng cho tương lai của mình. Họ tức giận về sự bất bình đẳng trong nước. Họ quan ngại về những người nhập cư trái phép đang tràn vào nước Mỹ, làm việc với mức lương thấp và có thể cạnh tranh với họ trong thị trường lao động. Những gì họ kỳ vọng thì bà Clinton lại không thể cam kết sẽ mang lại cho họ.

Thứ hai, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, trật tự thế giới hai cực đã sụp đổ, thay vào đó là trật tự thế giới đa cực vẫn đang định hình. Người Mỹ cảm thấy rằng, họ không còn có khả năng kiểm soát thế giới và họ phản ứng một cách tự nhiên rằng: “Nếu chúng ta không thể kiểm soát thế giới, chúng ta hãy từ bỏ vị trí đó”. Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi tại sao Mỹ phải tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, phải chi trả 70% cho ngân sách NATO hay tại sao lính Mỹ phải hy sinh để bảo vệ những mảnh đất khác...

(theo The Nikkei Asian Review)