📞

New Zealand: Phát hiện cá mập phát sáng khổng lồ

17:03 | 02/03/2021
TGVN. Các nhà nghiên cứu phát hiện ngoài khơi New Zealand có 3 loài cá mập phát sáng, bao gồm cá mập kitefin dài 180 cm - được gọi là cá mập phát sáng khổng lồ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cá mập phát sáng có thể để ngụy trang nhằm bảo vệ khỏi sự tấn công từ bên dưới. (Nguồn: Guardian)

Các nhà khoa học nghiên cứu cá mập ở ngoài khơi New Zealand đã phát hiện ra 3 loài sống dưới biển sâu phát sáng trong bóng tối - trong đó có một loài hiện là động vật có xương sống phát sáng lớn nhất được biết đến.

Phát quang sinh học - sự tạo ra ánh sáng nhìn thấy được thông qua phản ứng hóa học của các sinh vật sống - là một hiện tượng phổ biến đối với các sinh vật biển.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó được ghi nhận và nghiên cứu ở loài cá mập kitefin, cá mập blackbelly lanternshark và cá mập southern lanternshark.

Phát hiện về những con cá mập này được thu thập trong một cuộc khảo sát cá ở Chatham Rise ngoài khơi bờ biển phía Đông của New Zealand vào tháng 1/2020.

Cá mập kitefin có thể dài tới 180 cm, hiện là động vật có xương sống phát sáng lớn nhất được biết đến. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là "cá mập phát sáng khổng lồ".

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Catholique de Louvain ở Bỉ và Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA) ở New Zealand nói rằng phát hiện này có tác động sâu sắc đến sự hiểu biết của chúng ta về sự sống dưới đáy biển sâu - một trong những hệ sinh thái ít được nghiên cứu nhất trên hành tinh.

Các loài cá mập đều sống trong khu vực được gọi là vùng trung sinh hay vùng "chạng vạng" của đại dương. Vùng này có độ sâu 200-1.000 mét và là nơi ánh sáng Mặt trời không xuyên qua được.

Nhìn từ bên dưới, những con cá mập xuất hiện ngược sáng so với bề mặt sáng của nước, buộc chúng phải đối mặt với những kẻ săn mồi tiềm năng mà không có nơi nào để ẩn náu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phần bụng dưới phát sáng của 3 loài này có thể giúp chúng ngụy trang khỏi bất kỳ mối đe dọa nào có thể tấn công từ bên dưới.

Trong trường hợp cá mập kitefin, một loài có ít hoặc thậm chí không có kẻ thù săn mồi, chúng có thể di chuyển chậm và sử dụng ánh sáng tự nhiên của mình để chiếu sáng đáy đại dương trong khi tìm kiếm thức ăn hoặc ngụy trang khi tiếp cận con mồi.

"Những nghiên cứu sâu hơn cần phải được thực hiện để củng cố giả thuyết này, đồng thời hiểu được cách thức hoạt động của quá trình phát quang sinh học và những tác động có thể có đối với mối quan hệ săn mồi", các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên Tạp chí Frontieers in Marine Science.

"Xem xét sự rộng lớn của biển sâu và sự xuất hiện của các sinh vật phát sáng trong khu vực này, chúng ta ngày càng nhận thấy rõ ràng rằng việc tạo ra ánh sáng ở biển sâu đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái lớn nhất trên hành tinh chúng ta", theo các nhà nghiên cứu.

(theo Zing)