Nhỏ Bình thường Lớn

ASEAN và thách thức an ninh phi truyền thống

Sự phối hợp giữa quân đội các nước ASEAN trong nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan tàn phá Philippines năm ngoái và trong việc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích gần đây cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Diễn tập ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa kết hợp quân y (ADMM+ HADR/MM) tổ chức tại Brunei vào tháng 6/2013.

Diễn tập ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa kết hợp quân y (ADMM+ HADR/MM) tổ chức tại Brunei vào tháng 6/2013 là diễn tập đầu tiên trong khuôn khổ ADMM+

Mối đe dọa phức tạp

Những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, buôn bán người, cướp biển, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em… trở thành mối bận tâm không chỉ của các quốc gia thành viên ASEAN mà còn là mối quan tâm chung của cả Hiệp hội.

Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên và bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tội phạm ma túy với hình thức hoạt động tinh vi ở vùng Tam giác vàng, hải tặc - nỗi lo sợ của tàu thuyền qua lại eo biển Malacca, tình trạng buôn người... luôn là điểm nóng.

Nhận thức tính chất phức tạp và sự tác động sâu xa của những thách thức xuyên biên giới này, hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống được các thành viên ASEAN coi trọng.

Bước đi thực chất

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều hội nghị và diễn đàn hợp tác quốc phòng của ASEAN được tổ chức không chỉ tập trung vào các biện pháp ứng phó với thách thức an ninh truyền thống mà an ninh phi truyền thống cũng được xem là một chủ đề quan trọng. Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN (ACAMM), Hội nghị không chính thức những người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự (AMIIM), Hội nghị không chính thức Tư lệnh các lực lượng quốc phòng (ACDFIM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)... được xem là những bước khởi đầu quan trọng để ASEAN tăng cường sự phối hợp, củng cố lòng tin để hình thành các cơ chế hợp tác quốc phòng toàn diện hơn.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) được tổ chức lần đầu tiên năm 2006 tại Malaysia trở thành cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN và là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN, trở thành thành phần quan trọng trong trụ cột chính trị-an ninh của ASEAN.

Đến năm 2010, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đánh dấu sự hình thành một cấu trúc an ninh mới mang tính định hình rộng lớn, hiệu quả hơn. ADMM+ họp lần đầu tiên với sự tham gia của 18 Bộ trưởng Quốc phòng của 18 nước đã xác định nhiều lĩnh vực ưu tiên hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải... Sự cần thiết nhằm tăng cường phối hợp đối phó các thách thức này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc phòng cấp bộ trưởng giữa ASEAN và Mỹ diễn ra đầu tháng 4 tại Hawaii (Mỹ).

Tăng hợp tác dân sự và quốc phòng

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng châu Á (DSA) lần thứ 14 tại Kuala Lumpur từ 14-17/4, tại Diễn đàn Putrajaya với chủ đề "Tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực", đại biểu của nhiều nước ASEAN đều nhấn mạnh việc quân đội các nước cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết hiệu quả mối đe dọa an ninh phi truyền thống mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã đưa ra các kiến nghị để nâng cao hiệu quả ứng phó của quân đội bằng cách tăng cường hợp tác dân sự - quân sự, chia sẻ thông tin và tin tức tình báo kịp thời cũng như mở rộng quy mô tập trận chung.

Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công An Việt Nam đã trao đổi về kinh nghiệm đảm bảo an ninh và công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn người, khủng bố, di cư trái phép...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng ranh giới giữa các mối đe dọa truyền thống hay phi truyền thống, dân sự hay quân sự ngày nay có khi không phân biệt rõ ràng, tác động đến nhiều quốc gia. Chỉ có sự hợp tác, tin tưởng lẫn nhau để cùng hành động là xu thế và giải pháp quan trọng để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng.

MINH SƠN