Ông Putin và ông Lukashenko nhất trí khởi động lại một ý tưởng từ cách đây 20 năm. (Nguồn: AFP) |
Theo lời đại sứ Belarus ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thoả thuận tiến bước xa hơn nữa trên con đường thành lập nhà nước liên minh giữa Nga và Belarus. Theo đó, hai bên sẽ có nghị viện và chính phủ chung cũng như hình thành thị trường chung cho một số hàng hoá và lĩnh vực hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại như dầu lửa, khí đốt hay điện.... Tất cả đều là biểu hiện của cấp độ và tầm vóc, quy mô và chất lượng mới của mối quan hệ giữa hai nước này.
Ý tưởng cũ, cách làm mới
Ý tưởng về thành lập nhà nước liên minh chung đã được hai bên thoả thuận cách đây 20 năm, giữa ông Lukashenko và Tổng thống Nga khi ấy là Boris Yeltsin. Những nội dung quan trọng nhất trong hiệp ước được ký kết là hình thành đồng tiền chung, toà án chung và có người đứng đầu nhà nước liên minh chung. Tuy nhiên, kết quả gần như duy nhất mà hai bên đạt được cho tới nay trong việc thực hiện thoả thuận này là xây dựng được liên minh thuế quan. Vì thế, thoả thuận giữa ông Putin và ông Lukashenko mà phía Belarus đề cập đến không phải hoàn toàn mới mà chỉ là việc làm sống lại ý tưởng cũ và thực hiện ý tưởng cũ theo cách mới.
Cách thực hiện khác trước ở đây là hình thành liên minh từ trên xuống chứ không phải xây dựng liên minh từ dưới lên như trước. Xem ra, hai người này đã rút ra từ lịch sử hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU) những bài học kinh nghiệm để từ đó có được cách tiếp cận và định hướng thích hợp nhất cho Nga và Belarus. EU cũng đã đi từ các hình thức và cấp độ liên kết, hợp tác và nhất thể hoá trên nhiều lĩnh vực đến nhất thể hoá về thể chế với Nghị viện châu Âu, Toà án châu Âu, đồng tiền chung, Uỷ ban châu Âu, Hội đồng châu Âu.... Mưu tính của ông Putin và ông Lukashenko với cách thực hiện mới này xem ra chỉ có thể là dùng sự nhất thể hoá về lập pháp và hành pháp để tạo động lực mới và cả áp lực mới nữa cho việc thực hiện hiệp ước về nhà nước liên minh.
Thay đổi cách tiếp cận là rất thực tế và cần thiết đối với hai bên nếu thật sự muốn thúc đẩy việc thực hiện hiệp ước về nhà nước liên minh. Lợi ích chiến lược của Nga trong chuyện này là ràng buộc Belarus vào Nga, làm cho số phận và tương lai của Belarus gắn kết với số phận và tương lai của Nga, Belarus sẽ là khu đệm giữa Nga với EU và NATO, giúp Nga có thể tiếp cận trực tiếp EU và NATO mà không phải trung chuyển hay quá cảnh qua nước khác. Ngoài ra, Nga còn có thể dùng mô hình nhà nước liên minh với Belarus để cạnh tranh với EU và NATO giành ảnh hưởng ở những nước khác trong khu vực láng giềng xung quanh Nga.
Lợi ích chiến lược của Belarus là tranh thủ Nga để tận lợi từ những ưu đãi kinh tế và thương mại của Nga, dùng Nga làm đối trọng trong quan hệ với EU và NATO, tạo giá và dựng thế để có thể mặc cả trong chừng mực nhất định với EU và NATO. Ngay từ khi khởi xướng ý tưởng về nhà nước liên minh chứ không phải mãi đến tận bây giờ, hai bên đều đã xác định cho mình và theo đuổi những lợi ích và mục tiêu ấy.
Chặng đường còn dài ở phía trước
Vào thời điểm xưa cũng như hiện tại, ý nguyện nói trên của hai bên không có gì là khó hiểu. Chỉ có điều việc thực hiện không dễ dàng chút nào. Ở đâu cũng vậy, tiền đề và điều kiện tiên quyết của việc thành lập nhà nước liên minh mà chấp nhận chuyển giao một phần nhất định chủ quyền quốc gia vào chủ quyền chung của nhà nước liên minh. Nga lại quá lớn và quá mạnh về mọi phương diện đối với Belarus cho nên việc đảm bảo bình đẳng và không lệ thuộc đơn phương giữa các bên tham gia nhà nước liên minh không hề dễ dàng và đương nhiên chút nào.
Nga có nhiều công cụ, vũ khí và phương cách để gây áp lực đối với Belarus, nhưng Belarus cũng có những con chủ bài rất đắc dụng trong quan hệ với Nga như vị trí địa chiến lược hay là đối tác mà Phương Tây cũng rất muốn tranh thủ và lôi kéo để phân hoá với Nga. Nga ý thức được rằng nếu già néo sẽ bị đứt dây còn Belarus cũng biết là thực dụng nhất là phải cân bằng giữa Nga và Phương Tây nhưng nếu ở bước đường cùng thì cũng có sự lựa chọn khác.
Cho dù ông Putin và ông Lukashenko nhất trí khởi động lại và dồn chân bước trên tiến trình hướng tới nhà nước liên minh chung thì tiến trình này cũng còn rất dài mới có thể thành công, nếu như được thành công chứ thật ra triển vọng thành công không mấy sáng sủa. Những nguyên do khiến tiến trình bị trì trệ trong hai mưoi năm qua chưa thay đổi cơ bản giữa Nga và Belarus.
Cho nên mới nói là trong chuyện này cũng như trong nhân gian thế sự chung, ước nguyện luôn dễ nhưng toại nguyện lại rất khó được.