Nga khẳng định không dùng vấn đề giá lương thực làm đòn bẩy chính trị như phương Tây đổ lỗi - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu trong bộ phim tài liệu mới đây, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko nói: “Đây là chính sách đáng xấu hổ của phương Tây. Họ đổ lỗi cho Nga gây ra khủng hoảng lương thực, tăng giá lương thực. Ai cũng hiểu đây là công cụ chính trị trong tay phương Tây. Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng chủ đề này làm đòn bẩy chính trị và chúng tôi sẽ không làm điều này”.
Theo bà, giống như nước uống hay năng lượng, ngũ cốc là nguồn tài nguyên khổng lồ và quan trọng với nhiều người. Năm nay, với vụ thu hoạch ngũ cốc kỷ lục, Nga có sứ mệnh toàn cầu là giúp đỡ nhân loại, đặc biệt là các nước nghèo.
Cùng ngày, trao đổi với hãng RIA Novosti (Nga), Đại sứ nước này tại Canada Oleg Stepanov cáo buộc Ottawa đang đi đầu trong nỗ lực nhằm cô lập Moscow. Ông cho rằng thời gian qua, trang Twitter của Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đã đăng những thông tin không đúng sự thật về cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là những nội dung gần đây về những người đàn ông Nga trốn quân dịch.
Hồi tuần trước, Twitter của GAC cho rằng, lệnh gọi nhập ngũ của Nga có yếu tố phân biệt sắc tộc, dẫn đến biểu tình và khiến công dân phải bỏ trốn. Song Đại sứ Stepanov đã mô tả các công dân nêu trên là “những kẻ hèn nhát” và những người Nga chân chính sẽ bảo vệ đất nước “bất kể quan điểm chính trị của một người”.
Đầu tháng này, Nga đã triệu Đại sứ Canada tại Moscow Alison LeClaire để phản đối việc Ottawa triệu tập ông Stepanov 5 lần năm nay, “vượt xa thông lệ ngoại giao thông thường”.
Trước đó, Moscow cũng từng triệu Đại sứ Canada vào tháng 9, cáo buộc GAC đã không xem xét nghiêm túc các sự cố liên quan đến Đại sứ quán Nga ở Ottawa. Tuy nhiên, cả hai đều tuyên bố muốn duy trì quan hệ ngoại giao, ngay cả khi Ottawa đã rút khỏi hợp tác với Moscow trong nhiều lĩnh vực.
Triệu tập Đại sứ thường là một động thái ngoại giao để chính thức phản đối chính sách của nước ngoài, song hiếm khi được các nước thực hiện.