Khi ngũ cốc là một loại ‘vũ khí’ đa năng, câu chuyện của thế giới và Việt Nam

TS. Vũ Đăng Minh
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được các bên biến thành cuộc chiến nhiều mặt. Lương thực trở thành một loại “vũ khí” đa năng mà nhiều quốc gia sử dụng với các mục đích, tính toán khác nhau.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Cuộc chiến nhiều mặt với loại ‘vũ khí’ đa năng, câu chuyện của thế giới và Việt Nam
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được các bên biến thành cuộc chiến nhiều mặt. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc chiến nhiều mặt

Xung đột Nga-Ukraine, rộng ra là đối đầu giữa Nga và phương Tây tác động nhiều mặt đến khu vực và thế giới, trong đó có vấn đề lương thực. Xung đột vẫn tiếp diễn, nhưng qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, ngày 22/7/2022, 4 bên liên quan đã ký thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Qua 1 năm thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, giá lương thực trên thế giới giảm hơn 23%; mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia. Nhưng sau 1 năm, với 3 lần gia hạn và nhiều tranh cãi, ngày 17/7, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận ngũ cốc cho thấy nó không chỉ là vấn đề kinh tế, nhân đạo mà còn ẩn chứa nhiều ý đồ, tính toán chiến lược của các bên.

Đối với Ukraine, thỏa thuận được ví như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng trong xung đột. Kiev xuất khẩu được gần 33 triệu tấn lương thực qua Biển Đen, thu nguồn ngoại tệ lớn, bảo đảm đời sống xã hội và đáp ứng một phần nhu cầu quân sự. Thông qua xuất khẩu ngũ cốc, Ukraine còn chứng tỏ giá trị của mình trong bảo đảm an ninh lương thực; duy trì kết nối với châu Âu và các khu vực khác.

Khi thỏa thuận ngưng trệ, Ukraine đề xuất tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bằng “hành lang đoàn kết” đường bộ, đường sông qua một số nước châu Âu và qua Biển Đen, do tàu Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống và NATO mở hành lang an toàn; không cần sự tham gia của Nga. Bằng cách đó, không những Kiev thực hiện được mục đích kinh tế, mà còn lôi kéo, gắn kết NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ thu lợi lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao… qua việc trung gian ký kết, thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ankara trở thành trung tâm vận chuyển, xuất khẩu lương thực của khu vực và nhập được khối lượng lớn ngũ cốc giá rẻ (3,24 triệu tấn). Đồng thời qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ là nhân tố không thể thiếu, mà cả Nga và Ukraine, NATO đều cần để giải quyết xung đột cũng như các vấn đề lớn khác của khu vực và thế giới.

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21/7, Phó Tổng thư ký Martin Griffiths cảnh báo ngừng thỏa thuận làm giá ngũ cốc tăng đột biến, có thể gây nạn đói cho hàng triệu người trên nhiều khu vực. Các bên nặng về tranh cãi, đổ lỗi nhau, càng làm mâu thuẫn thêm phức tạp.

Phương Tây đồng loạt chỉ trích Nga sử dụng lương thực làm vũ khí, công cụ chính trị để gây sức ép. Nhưng chính họ lại muốn gây sức ép tập thể, buộc Nga thực hiện đòi hỏi của mình mà không tính tới yêu cầu của Moscow. Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania cùng đề xuất Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp của mình. Chỉ đề cao lợi ích quốc gia của mình, không tính tới lợi ích của đối tác, thì mâu thuẫn không thể hóa giải được.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine không hoàn toàn đến đúng địa chỉ cần; các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 3%; 44% chảy vào các nước thu nhập cao, trong đó 30% đến châu Âu.

Tổng thống Nga có cơ sở khi nói thỏa thuận ngũ cốc không đạt được mục đích nhân đạo. Việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận không còn ý nghĩa, không thật sự cần thiết. Ngừng thỏa thuận ngũ cốc cũng sẽ gây cho Nga những khó khăn về kinh tế, ngoại giao. Phương Tây vin vào đó quy cho Nga gây mất an ninh lương thực thế giới, gây bất ổn khu vực.

Nhưng Moscow vẫn quyết định cứng rắn với thông điệp rõ ràng, không thể thực hiện thỏa thuận mà không tính đến lợi ích của Nga; không thể giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu mà thiếu Nga.

Như vậy, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được các bên biến thành cuộc chiến nhiều mặt. Lương thực trở thành một loại “vũ khí” đa năng mà nhiều quốc gia sử dụng với các mục đích, tính toán khác nhau.

Khi ngũ cốc là một loại ‘vũ khí’ đa năng, câu chuyện của thế giới và Việt Nam
Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen khiến nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ nạn đói. (Nguồn: NAN)

Có lối thoát nhưng còn mịt mờ

Việc chấm dứt thoả thuận ngũ cốc lập tức gây hậu quả nghiêm trọng.

Lương thực, nông sản đồng loạt tăng giá mạnh. Giá lúa mì giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ tăng hơn 3%, nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ nạn đói. Ukraine có thể thiệt hại khoảng 800 triệu USD/tháng. Nông sản của Nga cũng gặp khó trong việc tìm đường ổn định, lâu dài ra thị trường quốc tế. Thỏa thuận ngũ cốc không phải là chuyện riêng giữa Nga và Ukraine.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước quyết định của Nga, kêu gọi Moscow quay lại bàn đàm phán. Trung Quốc và một số nước muốn tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngũ cốc có tính tới các điều kiện của Nga.

Đề xuất mới của Ukraine về xuất khẩu ngũ cốc không được Nga và cả NATO ủng hộ. Mỹ và NATO sẽ tìm cách hỗ trợ Ukraine, nhưng khó có khả năng đưa tàu chiến vào hộ tống tàu Ukraine và thiết lập hành lang vận chuyển trên Biển Đen, bởi lo ngại đụng độ trực tiếp với Nga.

Tổng thống Tayyip Erdogan tin sẽ thuyết phục được người đồng cấp Nga Vladimir Putin tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và ông chủ Điện Kremlin tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga vào ngày 4/9 tới, chủ yếu thảo luận về chủ đề này. Ankara hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực.

Nga ngừng thực hiện thỏa thuận nhưng cam kết tiếp tục cung cấp lương thực cho các nước có nhu cầu, nhất là với châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại thành phố St. Petersburg từ ngày 27-29/7, ông Putin cam kết cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón cho châu Phi để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Trong nửa đầu năm nay, Nga đã vận chuyển gần 10 triệu tấn ngũ cốc tới châu Phi.

Đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để thay thế thỏa thuận ngũ cốc. Nga tuyên bố sẵn sàng thảo luận, nối lại thỏa thuận ngũ cốc hoặc tìm một định dạng mới, khi phương Tây thực hiện các điều kiện trong bản ghi nhớ với Liên hợp quốc, bao gồm:

Gỡ bỏ trừng phạt đối với vận chuyển ngũ cốc, phân bón; dỡ bỏ hạn chế và kết nối các ngân hàng Nga cung cấp tài chính cho xuất khẩu lương thực, nông sản với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nối lại cung cấp linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp. Giải quyết vướng mắc, hạn chế về việc thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu lương thực, nông sản. Khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti – Odessa. Gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp và thực hiện đúng bản chất nhân đạo như ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc.

Hậu quả nhiều mặt của việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc sẽ khiến các bên liên quan cân nhắc, có thể đi đến nhượng bộ. Nhưng thỏa hiệp như thế nào, đến đâu lại là chuyện khó.

Liên hợp quốc và các bên liên quan có thời hạn 3 tháng để thảo luận về các điều kiện của Nga. Đây là mấu chốt để tháo gỡ bế tắc. Nhưng cái khó là một số điều kiện vướng lập trường chung trừng phạt Nga của phương Tây. Phương Tây chấp nhận gỡ bỏ điều kiện nào hoặc Nga rút yêu cầu “cả gói” là chuyện “mặc cả” không hề đơn giản.

Vai trò của Liên hợp quốc quan trọng, nhưng khả năng thuyết phục phương Tây hoặc Nga chấp nhận thỏa hiệp cũng có mức độ. Cộng đồng quốc tế có thể tạo áp lực nhất định đến các bên liên quan. Với các yếu tố đó, nhất là toan tính của các bên, mọi dự báo cụ thể đều chưa có cơ sở. Kết quả có thể biết sau 3 tháng hoặc may mắn là ngã ngũ trong thời gian ngắn hơn. Đàm phán nối lại thỏa thuận ngũ cốc cũng có thể là gợi ý cho giải quyết các vấn đề khác của xung đột.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định lập trường của Moscow về việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc sẽ tùy thuộc vào khả năng phương Tây thực hiện lời hứa liên quan tới hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước Nga.

Ông Peskov nêu rõ: “Triển vọng gia hạn thỏa thuận ngũ cốc phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết trên thực tế đối với phía Nga, mà không chỉ bằng lời nói... (Hành lang tạm thời) là một vấn đề hoàn toàn khác biệt với vấn đề liên quan thỏa thuận ngũ cốc. Bộ Quốc phòng Nga sẽ giám sát nó khi cần thiết".

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Tác động tiêu cực từ xung đột ở các khu vực trên thế giới và biến đổi khí hậu càng gia tăng vai trò quan trọng của các nước xuất khẩu lương thực, trong đó có Việt Nam. Chúng ta luôn tìm cách nâng cao hiệu quả xuất khẩu, nhưng không lợi dụng điều kiện khó khăn để trục lợi.

Càng khó khăn, Việt Nam càng phát huy vai trò là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu. Chúng ta nhiều lần hỗ trợ, viện trợ lương thực cho Lào, Cuba và các nước gặp thiên tai, thảm họa khác. Đồng thời, Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tổ chức của Liên hợp quốc và các nước phát triển, cử chuyên gia giúp đỡ một số nước châu Phi sản xuất lương thực.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu lương thực và một số nước khác có thể hành động tương tự, cũng như tác động của biến đổi khí hậu, đặt ra nhiều vấn đề. Một mặt, các cơ quan có nhiệm vụ ngoại giao kinh tế cần nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, nhu cầu của thế giới, tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, vừa tránh bỏ lỡ cơ hội hoặc ký kết hợp đồng bất lợi, vừa tránh phải hủy hợp đồng do vượt quá khả năng, ảnh hưởng đến uy tín đất nước.

Trong nước, cần thực hiện nghiêm quy hoạch đất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu đời sống và xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị sản xuất, chế biến, xuất khẩu lượng thực, nông sản, bảo vệ môi trường.

Tổ chức gắn kết chặt chẽ, hiệu quả thiết thực giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà ngoại giao, trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu lương thực, nông sản; bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Có như vậy, nền sản xuất, chế biến, xuất khẩu lương thực, nông sản của Việt Nam mới bền vững, phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hạn chế các rủi ro, tác động bất lợi; góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới, lan toả giá trị tích cực của Việt Nam.

Câu chuyện về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng mang lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm tốt trong tham gia thị trường kinh tế quốc tế và giải quyết các thách thức an ninh khác.

Câu chuyện an ninh lương thực

Câu chuyện an ninh lương thực

Biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn chính trị đang tạo ra nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu. Trong ...

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen về đâu?

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen về đâu?

“Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” hay “Sáng kiến vận chuyển an toàn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng của Ukraine” là thỏa ...

Thỏa thuận ngũ cốc: Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ 'tìm đường' gặp Nga, EU có tuyến thương mại thay thế

Thỏa thuận ngũ cốc: Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ 'tìm đường' gặp Nga, EU có tuyến thương mại thay thế

Ngày 28/8, Sputnik dẫn một nguồn tin liên quan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc (LHQ) đang tìm kiếm cơ hội tổ chức ...

Điểm tin thế giới sáng 29/8: Ấn Độ lần đầu tiên tập trận Bright Star, Phần Lan chi 'bạo' cho quốc phòng, Nhật Bản 'tung' F-35 tới Australia

Điểm tin thế giới sáng 29/8: Ấn Độ lần đầu tiên tập trận Bright Star, Phần Lan chi 'bạo' cho quốc phòng, Nhật Bản 'tung' F-35 tới Australia

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 29/8.

Thỏa thuận ngũ cốc: Thổ Nhĩ Kỳ không cân nhắc lựa chọn thay thế, Nga lên tiếng về tàu Ukraine rời cảng Odessa

Thỏa thuận ngũ cốc: Thổ Nhĩ Kỳ không cân nhắc lựa chọn thay thế, Nga lên tiếng về tàu Ukraine rời cảng Odessa

Ngày 28/8, ông Akif Cagatay Kilic, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Ankara hiện không cân nhắc ...

Xem nhiều

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác với tính khả thi rất cao giữa Việt Nam và Dominica

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác với tính khả thi rất cao giữa Việt Nam và Dominica

Sáng 21/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Dominica.
Tử vi 12 cung hoàng đạo Thứ Sáu ngày 22/11/2024: Kim Ngưu mâu thuẫn tình cảm

Tử vi 12 cung hoàng đạo Thứ Sáu ngày 22/11/2024: Kim Ngưu mâu thuẫn tình cảm

Tử vi hôm nay 22/11/2024 của 12 cung hoàng đạo - Ma Kết, Bảo Bình, Song Ngư, Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên ...
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Malaysia

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Malaysia

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Hai Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi thực chất, hiệu quả về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội trong thời ...
Lần thứ hai liên tiếp trúng cử thành viên UNCITRAL: Vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao

Lần thứ hai liên tiếp trúng cử thành viên UNCITRAL: Vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn nhân dịp Việt Nam trúng cử thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2025-2031.
Việt Nam-Campuchia: Khánh thành công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước

Việt Nam-Campuchia: Khánh thành công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước

Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia là công trình được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia.
'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

Nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành dự án 'hạt hòa bình' nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Mặc dù sắp mãn nhiệm nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một quyết định quan trọng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Tổng thống Joe Biden đã quyết định 'xé rào' vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, những 'đòn giáng' không thể tạo ra bằng lời nói.
Ngoại giao đa phương của Việt Nam tạo tiếng vang trên truyền thông Mexico

Ngoại giao đa phương của Việt Nam tạo tiếng vang trên truyền thông Mexico

Truyền thông Mexico đề cao vị thế và sự tham gia, đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương gần đây như APEC, G20...
Mỹ-Trung chạy đua ngoại giao đường sắt, tìm đường tới mỏ khoáng sản châu Phi

Mỹ-Trung chạy đua ngoại giao đường sắt, tìm đường tới mỏ khoáng sản châu Phi

Nhằm tiếp cận trữ lượng khoáng sản khổng lồ của châu Phi, Mỹ và Trung Quốc đã bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm ngoại giao đường sắt tại đây.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử

Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử

Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".
Phiên bản di động