Nga đã tránh được đòn loại trực tiếp từ phương Tây hay 'vũ khí' trừng phạt có sai sót? (Nguồn: The Economist) |
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Nga có thật hiệu quả?... câu trả lời vẫn còn nằm ở thời tương lai. Giới quan sát cho rằng, đây có thể coi là bài học đầu tiên về "chiến tranh kinh tế thế giới mới".
"Chiến tranh kinh tế thế giới mới" như thế nào?
Bên cạnh cuộc xung đột quân sự hao người tốn của, kèm theo chết chóc và tàn phá hiện nay còn tồn tại một cuộc đấu tranh khác, đang diễn ra song song và không kém dữ dội - cuộc tấn công và trả đũa kinh tế cũng có quy mô và khốc liệt chưa từng thấy, kể từ những năm 1940.
Và các nước phương Tây đã và vẫn đang cố gắng làm tê liệt nền kinh tế 1,8 nghìn tỷ USD của Nga bằng một kho "vũ khí trừng phạt mới".
Hiệu quả của loạt đòn tấn công kinh tế hiện được coi là một trong những chìa khóa mở cánh cửa cuối cùng của cuộc xung đột tại Ukraine. Nó cũng tiết lộ nhiều vấn đề về năng lực của các nền dân chủ trong mục tiêu phát triển quyền lực toàn cầu vào cuối những năm 2020 và hơn thế nữa, bao gồm cả việc đối đầu với sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại cho không chỉ các bên tham gia vào cuộc xung đột theo bất kể hình thức nào, mà với toàn thế giới là cho đến nay cuộc chiến trừng phạt-trả đũa vẫn chưa thấy hé lộ khả quan như mong đợi.
Kể từ tháng 2/2022, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã tung ra một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với hàng nghìn doanh nghiệp và cá nhân Nga. Một nửa trong số 580 tỷ USD dự trữ tiền tệ của Nga ở nước ngoài bị đóng băng và hầu hết các ngân hàng lớn của nước này bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu.
Mỹ không còn mua dầu của Nga và lệnh cấm vận của châu Âu sẽ có hiệu lực hoàn toàn. Các công ty Nga bị cấm mua các tư liệu sản xuất đầu vào từ động cơ đến chip. Các nhà tài phiệt và quan chức Nga phải đối mặt với các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Cùng với mục tiêu trước mắt là làm hài lòng dư luận phương Tây, các biện pháp này còn có mục tiêu chiến lược. Trong ngắn hạn, ít nhất trong giai đoạn đầu là gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản và cán cân thanh toán ở Nga. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tài trợ tài chính cho chiến dịch quân sự ở Ukraine và từ đó làm thay đổi các biện pháp triển khai chiến dịch của Điện Kremlin.
Về dài hạn, mục đích "kho vũ khí trừng phạt" là làm suy giảm năng lực sản xuất và sự tinh vi về công nghệ của Nga, từ đó, khiến nguồn lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin để đảm bảo cho chiến dịch sẽ dần bị tiêu hao. Cuối cùng là ngăn chặn những đối tác của Moscow có khả năng ủng hộ.
Giới phân tích cho rằng, đằng sau những mục tiêu đầy tham vọng như vậy là một học thuyết mới về quyền lực của phương Tây.
Thời điểm đơn cực của những năm 1990 - khi quyền lực tối cao của Mỹ không còn bị kiểm soát, đã qua từ lâu. Sự thèm muốn sử dụng vũ lực quân sự của phương Tây cũng đã suy yếu kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Các biện pháp trừng phạt dường như đang là một chiến lược mới, cho phép phương Tây phát huy sức mạnh thông qua việc kiểm soát các mạng lưới tài chính và công nghệ ở các trung tâm của thế giới, thế kỷ XXI. Trong 20 năm qua, họ cũng đã có những bước triển khai để trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền, cô lập Iran và Venezuela, hay các doanh nghiệp như Huawei.
Vũ khí trừng phạt có sai sót?
Nhưng "vũ khí' tấn công nền kinh tế Nga đã đưa các biện pháp trừng phạt lên một cấp độ mới, với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới - một trong những nhà xuất khẩu năng lượng, ngũ cốc và các mặt hàng quan trọng khác.
Kết quả có thể là gì? Theo dự tính, trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm, sự cô lập với các thị trường phương Tây sẽ gây ra sự tàn phá trong nền kinh tế Nga. Có thể, đến năm 2025, 1/5 số máy bay dân dụng của nước này không thể cất cánh vì chúng thiếu phụ tùng.
USD và chất bán dẫn chưa thể giúp bên nào có vị thế vượt trội. (nguồn: Investopedia) |
Việc nâng cấp mạng lưới viễn thông có thể bị trì hoãn và người tiêu dùng sẽ không còn cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu phương Tây.
Và tất nhiên, khi Moscow và giới tài phiệt quốc hữu hóa tài sản của phương Tây, từ các nhà máy, ô tô đến cửa hàng McDonald’s, thì phía Nga cũng có thể đang mất đi một số công dân tài năng nhất của mình.
Chỉ có một rắc rối là đòn loại trực tiếp của Mỹ và phương Tây đã không thành hiện thực. GDP của Nga có thể sẽ giảm 6% vào năm 2022, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng con số này ít hơn nhiều so với mức giảm 15% mà nhiều người trước đó đã cảnh báo, hoặc thậm chí vẽ ra một viễn cảnh suy thoái như ở Venezuela.
Doanh thu bán năng lượng của Nga sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai 265 tỷ USD trong năm nay, lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng, hệ thống tài chính của Nga cũng dần ổn định và nước này đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới cho một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong khi đó ở phía bên kia - châu Âu, một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kích hoạt cuộc suy thoái toàn khu vực. Tuần này, giá khí đốt tự nhiên đã tăng thêm 20% do Nga siết chặt nguồn cung.
Hóa ra vũ khí trừng phạt có “sai sót”?
Đầu tiên, nó phải có độ trễ về thời gian. Việc ngăn chặn quyền tiếp cận công nghệ, giới hạn Nga với các công nghệ độc quyền của phương Tây phải mất nhiều năm mới có thể thấy thành công.
Trong khi đó, đối với đặc điểm riêng của nền kinh tế Nga, việc hấp thụ đòn ban đầu của các lệnh cấm vận sẽ không quá khó khăn vì họ có thể tự chi phối các nguồn lực.
Tiếp sau đó là sự "phản đòn" trừng phạt. Mặc dù GDP của phương Tây vượt trội so với Nga, nhưng khó kìm hãm hoàn toàn Tổng thống Putin về sức mạnh khí đốt.
Lỗ hổng lớn nhất là các lệnh cấm vận toàn bộ hoặc một phần không được thực thi bởi hơn 100 quốc gia khác - chiếm 40% GDP thế giới. Dầu Urals đang chảy sang châu Á. Dubai đang rủng rỉnh tiền mặt của Nga và người ta vẫn có thể bay cùng Emirates và các hãng hàng không khác để đến Moscow 7 lần một ngày.
Một nền kinh tế toàn cầu hóa có khả năng thích ứng tốt với các cú sốc và cơ hội, đặc biệt khi hầu hết các quốc gia không muốn thực thi chính sách quá hà khắc của phương Tây. Do đó, nên loại bỏ mọi ảo tưởng rằng, các lệnh trừng phạt sẽ mang thắng lợi về cho Mỹ và phương Tây với cái giá rẻ nhất.
Và để đặt lên "bàn cân" căng thăng kinh tế lâu năm giữa Mỹ-Trung Quốc, cũng giống như với Nga, nền kinh tế số 2 thế giới khó mà sụp đổ. Và chính phủ ở Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách "bỏ đói" các đối tác không thân thiện bằng việc ngăn chặn các thiết bị điện tử, pin và dược phẩm tới phương Tây, khiến các kệ hàng của Walmart trống rỗng, gây ra hỗn loạn.
So với Mỹ và phương Tây, số nền kinh tế là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, không hề kém cạnh, nên một lệnh cấm vận toàn cầu đối với họ thậm chí còn khó hơn so với Nga. Bởi khó có thể bao vây một nền kinh tế nào đó trên nhiều mặt trận, hoặc nắm chắc các điểm trọng yếu khiến đối thủ phải "nghẹt thở". Đó là một bài học đầu tiên về "chiến tranh kinh tế thế giới mới".
Từ thực tế căng thẳng tại Đông Âu, giới phân tích cho rằng, quyền lực cứng quan trọng, các biện pháp trừng phạt cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng phương Tây không nên để chúng sinh sôi. Bởi khi các nền kinh tế càng lo sợ các lệnh trừng phạt vào "ngày mai", họ sẽ càng ít sẵn sàng thực thi các lệnh cấm vận đối với những nền kinh tế khác vào "ngày hôm nay".
Tin tốt là, hơn 180 ngày sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, các nền dân chủ đang thích nghi với thực tế này và cố gắng học những bài học tương tự.
Xung đột Nga-Ukraine đã đánh dấu một kỷ nguyên đối đầu trong thế kỷ XXI, trong đó các yếu tố quân sự, công nghệ và tài chính đan xen nhau. Đây không phải là thời đại mà phương Tây có thể cho rằng, họ giữ vị thế vượt trội, chỉ thông qua USD và chất bán dẫn.