Mỹ khẳng định việc Nga đình chỉ Hiệp ước New START sẽ khiến Washington và các đồng minh càng sát cánh với Ukraine. (Nguồn: IARI) |
Phát biểu trong một sự kiện tại Viện Brookings ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát, kiểm chứng và tuân thủ các thỏa thuận về vũ khí (AVC) Mallory Stewart cho rằng, quyết định của Nga sẽ không khiến phương Tây ngừng hỗ trợ cho Ukraine.
Ông Stewart nhấn mạnh: "Trên thực tế, quyết định của Mocow và các mối đe dọa tiếp diễn từ vũ khí hạt nhân của Nga sẽ chỉ củng cố tầm quan trọng của việc Mỹ và cộng đồng toàn cầu sát cánh cùng Kiev".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, để khôi phục toàn diện Hiệp ước New START, Mỹ phải "xem xét lại chính sách thù địch đối với Nga".
Tuy nhiên, theo ông Antonov, cho đến nay, "Nga chỉ thấy điều hoàn toàn ngược lại: Mỹ chưa sẵn sàng ngay cả với những cử chỉ tích cực mang tính biểu tượng".
Đại sứ Nga chỉ trích các quan chức Mỹ trong nhiều năm đã hành động trái với các điều khoản chính của New START.
Hôm 21/2, khi đọc Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo sẽ tạm dừng tham gia Hiệp ước New START và tuyên bố sẽ chỉ tiến hành các vụ thử hạt nhân mới nếu Mỹ làm điều tương tự.
Mặc dù vậy, chính quyền của ông Putin vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ hạn chế về số lượng phương tiện mang đầu đạn hạt nhân được nêu trong New START, ngay cả sau khi đã tạm ngừng tham gia Hiệp ước.
Hiệp ước New START được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002. Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026.
Theo các chuyên gia, Nga và Mỹ nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, trong đó Nga có gần 6.000 đầu đạn.