Logo của Ủy hội châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow sẽ dừng tham gia các hoạt động của Ủy hội châu Âu.
Ủy hội châu Âu là tổ chức nhân quyền hàng đầu của châu lục, tách biệt với Liên minh châu Âu (EU). Thể chế này gồm 47 quốc gia thành viên, trong đó có 27 nước thành viên EU. Nga tham gia Ủy hội châu Âu hồi tháng 2/1996, với tư cách là thành viên thứ 39.
Tháng 4/2014, PACE phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Ủy hội châu Âu.
PACE đã khôi phục hoàn toàn tư cách thành viên của Nga vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Cùng ngày 14/3, Ukraine đã kêu gọi Ủy hội châu Âu loại Nga hoàn toàn.
Trước đó, vào ngày 25/2, Ủy hội châu Âu đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga và hiện đang tranh luận xem có nên cấm Nga hoàn toàn hay không.
Nếu lời lêu gọi của Ukraine trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên có một động thái như vậy kể từ khi thể chế toàn châu Âu này được thành lập sau Thế chiến II.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, hai nước đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Nga và Ukraine để mở hành lang nhân đạo cho người dân sơ tán.
Tại thủ đô Ankara, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Moscow để thảo luận về tình hình Ukraine.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Scholz thay thế cựu Thủ tướng Angela Merkel, người mà ông Erdogan đã tạo dựng một mối quan hệ đặc biệt.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Scholz nói: “Chúng tôi nhất trí về việc đạt được một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt và phải đảm bảo rằng các hành lang nhân đạo cần được mở để sơ tán dân thường”.
Về phần mình, ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chia sẻ “quan điểm và lo ngại chung” về việc Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng vì một lệnh ngừng bắn lâu dài”.
Hiện Ankara đang đóng vai trò là nước trung gian và có liên hệ trực tiếp với cả Nga và Ukraine.
Ngày 10/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ trì cuộc đàm phán đầu tiên giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2.