📞

Nga đổi chiến lược 'phòng thủ' sau loạt 'đòn triệt hạ kinh tế’ của phương Tây

Gia An 13:40 | 04/04/2023
Trước đây, dù có nhiều tuyên bố chính thức hay vạch ra hàng loạt mục tiêu "khủng", thì EAEU vẫn mới chỉ đóng vai trò ngoại vi trong chính sách đối ngoại của Nga và giá trị thực tế của Liên minh đối với Moscow còn khá mơ hồ...

Giờ đây, trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn, vai trò của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ngày càng quan trọng để Nga tăng cường khả năng chống lại các biện pháp trừng phạt, giảm sự phụ thuộc về công nghệ và tài chính vào phương Tây và thúc đẩy ngoại thương với các "quốc gia thân thiện".

Nga đổi chiến lược 'tấn công thay phòng thủ' sau loạt 'đòn triệt hạ kinh tế’ của phương Tây. (Nguồn: iStockphoto.com)

Năm 2023, Nga bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EAEU. Thực tế là bất kỳ quốc gia nào chủ trì một hiệp hội hội nhập đều quan trọng vì mang lại cơ hội tính toán ưu tiên, sắp xếp kế hoạch cho sáng kiến phù hợp với lợi ích của chính mình… Tuy nhiên, với tình hình Nga hiện nay, mục tiêu được đặt ra có quy mô lớn và tham vọng hơn nhiều trong khuôn khổ Liên minh, từ việc thành lập một cơ quan xếp hạng Á-Âu, đến đạt được “sự độc lập và tự chủ thực sự” trong lĩnh vực công nghệ.

Hoàn thiện chuỗi cung ứng trong EAEU

Sự phụ thuộc đáng kể của Nga vào nhập khẩu cơ khí chế tạo, cũng như linh kiện và hàng hóa tiêu dùng trung gian từ các thị trường phương Tây đòi hỏi cần chương trình thay thế nhập khẩu dài hạn đối với các sản phẩm đó.

Trong bối cảnh hạn chế nhập khẩu sản phẩm và công nghệ được sản xuất công nghiệp từ các quốc gia không thân thiện, Nga cần thiết lập nguồn cung ứng thay thế từ các nước đối tác, cũng như thiết lập kênh nhập khẩu song song, đảm bảo sử dụng năng lực vận chuyển của EAEU một cách có hệ thống, đặc biệt là khi chương trình thay thế nhập khẩu quốc gia vẫn chưa hoạt động đầy đủ.

Để tạo thuận lợi cho nhập khẩu song song, hai hướng can thiệp chính có vẻ khả thi. Mục tiêu thứ nhất là xây dựng chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, trong đó, thành lập các công ty thương mại nước ngoài tại các quốc gia EAEU, hoạt động như một mạng lưới an toàn, cũng như mở rộng chuỗi kinh doanh trung gian mới từ các nước thứ ba đã từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt. Mục tiêu thứ hai là tạo ra những lợi ích trực tiếp và hữu hình cho các đối tác trong Liên minh, những lợi ích này có thể vượt trội hơn những rủi ro tiềm ẩn.

Điều quan trọng là, các quốc gia EAEU càng tích cực giúp Nga vượt qua hạn chế của phương Tây, thì họ càng dễ bị tổn thương trước áp lực trừng phạt của Mỹ và EU. Trong tương lai, phạm vi của những rủi ro này có nguy cơ mở rộng hơn, buộc Nga phải thận trọng hơn trong cách tiếp cận thận trọng để duy trì được sự cân bằng lợi ích với các đối tác.

Chẳng hạn, trong bối cảnh khủng hoảng lạm phát lương thực và năng lượng toàn cầu hiện nay, cũng như lãi suất tăng cao, Nga có thể đổi lại bằng hàng hóa, lương thực, thậm chí là tái cấp vốn trên cơ sở thuận lợi hơn cho các đối tác là thành viên EAEU.

Để hoàn thiện chuỗi cung ứng, khâu thanh toán quốc tế với Nga hiện cũng đặt ra một thách thức không nhỏ.

Việc Mỹ và phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn đối với Nga, bao gồm cả việc ngắt kết nối một số ngân hàng quốc gia với hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), không chỉ gây ra những tổn thất đáng kể cho nền tài chính quốc gia, mà còn gây lo ngại lớn cho các ngân hàng và tổ chức tài chính từ các đối tác thân thiện. Không chỉ gặp thách thức kỹ thuật khi thực hiện giao dịch tài chính hoặc tham gia giao dịch thương mại bằng USD và Euro với ngân hàng và doanh nghiệp bị trừng phạt ở Nga, các đối tác của Moscow luôn có khả năng bị "tấn công" bất cứ lúc nào bởi "mối quan hệ thân thiện" này. Đó là một rủi ro gặp phải khi Nga tiến tới mục tiêu tái cấu trúc dòng xuất nhập khẩu bằng tăng cường hợp tác trong EAEU.

Trong bối cảnh đó, ngày càng nảy sinh nhu cầu về cơ sở hạ tầng tài chính chống trừng phạt trong các thành viên EAEU để hợp tác với Nga với rủi ro thấp hơn. Chẳng hạn, một hình thức giống như hệ thống thanh toán Á-Âu, kết nối tích cực hơn giữa các ngân hàng trung ương của các quốc gia thân thiện với hệ thống nhắn tin tài chính của Nga, phát triển mạng lưới tài khoản đại lý thanh toán lẫn nhau giữa Ngân hàng Nga và đối tác nước ngoài bằng đồng tiền quốc gia.

Trên thực tế, đầu tháng 3/2022, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng đã phải thông báo tạm dừng giao dịch với Nga và Belarus. Quyết định đóng băng khoản cho vay của các tổ chức tài chính đối với cả hai quốc gia này là bằng chứng rõ ràng rằng, áp lực ngày càng tăng đối với các tổ chức tài chính toàn cầu khi có quan hệ với Nga, điều này có thể tác động tiêu cực đến sự tham gia của Moscow vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Giữa tứ bề khó khăn, điều quan trọng là phải có một cơ chế thay thế để đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng và lấp đầy khoảng trống do các tổ chức quốc tế để lại khi bỏ dở đầu tư. Giới chuyên gia cho rằng, điều này chỉ có thể đạt được bằng cách tăng cường hợp tác trong Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EDB) và liên kết với đối tác thứ ba như Trung Quốc, Ấn Độ...

Nga sẽ nhiệt tình và thực dụng hơn

Các ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EAEU của Nga năm 2023 và rộng hơn là tầm nhìn của Nga đối với Liên minh trong 5-10 năm tới sẽ không đầy đủ, nếu không có chiến lược cập nhật về quan hệ kinh tế và thương mại giữa hiệp hội và các đối tác nước ngoài.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng địa lý của mối quan hệ quốc tế trong EAEU và ký kết thỏa thuận ưu đãi mới, trong bài phát biểu tháng 1/2023 trước những người đứng đầu quốc gia thành viên EAEU.

Bước đi tiếp theo của Nga (tháng 2/2023) là phê duyệt kế hoạch hành động của Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) nhằm thực hiện ưu tiên của Nga. Chúng bao gồm xây dựng một cuộc đối thoại có hệ thống với các đối tác lớn, chẳng hạn như SCO, ASEAN, CIS, MERCOSUR và cập nhật hướng dẫn định vị toàn cầu và khu vực của EAEU. Mặc dù kế hoạch hành động EEC không ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đối ngoại nhưng về mặt logic, phù hợp với chiến lược tổng thể của EAEU và Nga, đặc biệt là khi nói đến việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác trong hoàn cảnh mới.

Rõ ràng, ngay cả với tiềm năng thành công của hội nhập Á-Âu, không thể củng cố vị trí và địa vị của Liên minh ở thế giới bên ngoài nếu không công nhận và tạo ra một “câu chuyện thành công” rõ ràng với những người chơi lớn trong khu vực - như các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông.

Kể từ khi EAEU ra mắt, sự tham gia của Nga vào Liên minh được thúc đẩy bởi kênh hợp tác bên ngoài, thể hiện qua việc ký kết một loạt thỏa thuận trong những năm tiếp theo.

Các nhà phân tích bình luận, trong môi trường hiện tại, người ta không nên trông chờ những con số chắc chắn với tất cả các đối tác đang trong quá trình đàm phán hay một sự gia tăng mạnh mẽ nào đó, mà quan trọng nhất vẫn là kim ngạch thương mại năng động và ổn định.

Trong khi đó, sự thật không mong muốn phải được làm rõ rằng, "hành lang cơ hội" để EAEU ký kết hiệp định thương mại với các nước thứ ba đang bị thu hẹp. Điều này chủ yếu liên quan đến các quốc gia tham gia biện pháp trừng phạt chống Nga.

Chẳng hạn - Singapore đã ký thỏa thuận ưu đãi về hàng hóa với EAEU năm 2019, với mục tiêu tiếp tục ký kết FTA dịch vụ và đầu tư với từng quốc gia thành viên riêng biệt. Tuy nhiên, sau khi đưa ra biện pháp hạn chế chống lại Nga, việc thúc đẩy FTA với Singapore có thể thất bại.

Một kịch bản tương tự đang chờ đợi mối quan hệ với Hàn Quốc, quốc gia thể hiện sự quan tâm đến việc ký kết FTA với EAEU ở nhiều giai đoạn khác nhau, thậm chí tham gia đàm phán với Nga về dịch vụ và đầu tư năm 2019.

Trong bối cảnh phương Tây vẫn đang tìm cách loại Nga khỏi nền kinh tế và thương mại toàn cầu, chủ quyền công nghệ, các cơ chế tài chính thay thế và quan hệ đối ngoại trong EAEU trở thành một công cụ quan trọng hơn để Moscow bù đắp cho những thiệt hại do loạt lệnh trừng phạt hà khắc và thích nghi với những cú sốc bên ngoài.

Do đó, có thể giả định rằng, Nga sẽ nhiệt tình, thực dụng hơn trong cách tiếp cận và củng cố mối quan hệ với các đối tác trong Liên minh EAEU trong tương lai gần. Đồng thời, đối với kinh tế Nga, Liên minh này sẽ không chỉ là một trong những "công cụ", việc Moscow tận dụng khéo léo mối quan hệ này không chỉ giúp giải quyết một phần một số vấn đề nhạy cảm nhất trước mắt.

(theo moderndiplomacy.eu)