Nga-EU: Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang phải chịu nhiều áp lực. (Ảnh: Gazprom) |
Ban đầu, theo nhận định của giới chuyên gia, những biện pháp này không thể ngăn chặn xung đột và chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Khi xung đột bước sang tháng thứ bảy và EU phải vật lộn với giá khí đốt và điện tăng cao, các lời kêu gọi từ bỏ các lệnh trừng phạt đã gia tăng.
Tháng 7 năm nay, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, chính sách trừng phạt của châu Âu đã thất bại và EU nên tập trung vào các cuộc đàm phán và giải quyết xung đột.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây - bao gồm cả những biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga - thực sự đang phải đối mặt với những thách thức và hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nền kinh tế Nga cũng đang phải trải qua những ngày càng căng thẳng do lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Cần thêm thời gian
Các biện pháp trừng phạt cần có thời gian để phát huy tác dụng.
Theo các phân tích độc lập của Nga, các hạn chế của phương Tây áp đặt từ những năm 2014 và 2015 đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga mất 16% vào năm 2021. Tỷ lệ này cao hơn hầu hết các chuyên gia phương Tây đã ước tính.
Trong năm 2022, hầu hết các nhà phân tích phương Tây dự báo, GDP của Nga sẽ giảm từ 6-8%. Khoảng 28% xuất khẩu của châu Âu sang Nga là mục tiêu trực tiếp của các lệnh trừng phạt của EU.
Trong khi đó, nhập khẩu của Nga từ EU đã giảm hơn 50%. Sự suy giảm này của nền kinh tế Nga thấp hơn so với những gì phương Tây mong đợi.
Về phía Moscow, Điện Kremlin tuyên bố, các nước phương Tây bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nhiều hơn Nga.
Nga đã khởi xướng nhiều biện pháp đối phó để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như lên kế hoạch nhập khẩu song song và đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng sang châu Á và các khách hàng mới khác ngoài EU.
Bên cạnh đó, các cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây và thay vào đó họ đã tận dụng cơ hội để làm sâu sắc hơn hợp tác thương mại và tài chính với Nga. Saudi Arabia đã đầu tư 500 triệu USD vào các công ty năng lượng Nga.
Tin liên quan |
Nga-phương Tây: ‘Con bài’ chính của Moscow đang suy yếu, nền kinh tế vào ‘con đường lãng quên’? |
Điện Kremlin cũng nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn về tài chính và an ninh với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, việc xây dựng các chuỗi cung ứng và kênh tài chính mới hay tìm kiếm các đối tác thương mại mới sẽ mất nhiều thời gian và đi kèm với một loạt hạn chế và lợi ích cạnh tranh.
Nga có hoàn toàn hưởng lợi?
Thoạt nhìn, những nỗ lực đa dạng hóa xuất khẩu dầu của Điện Kremlin sau khi EU tuyên bố cấm vận dầu theo từng giai đoạn đã chứng tỏ sự thành công bởi quốc gia này vẫn thu lợi khủng dù xuất khẩu ít hơn.
Xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Moscow sang các nước phương Tây đã giảm 2,2 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày, tính đến tháng 7.
Một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhập khẩu nhiều dầu hơn sau khi Nga giảm giá xuống mức 31-36 USD/thùng.
Trong tháng 6, xuất khẩu dầu Nga sang châu Á đã tăng tới 54%. Vào đầu tháng 8, quốc gia này đã bán dầu thô Ural với giá 76 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu toàn cầu là hơn 100 USD/thùng.
Trong tháng 5, Nga kiếm được 883 triệu Euro mỗi ngày từ xuất khẩu dầu, so với mức 633 triệu Euro mỗi ngày vào năm 2021.
Mặc dù EU đã tuyên bố cấm vận nhập khẩu dầu đối với cả dầu thô và sản phẩm dầu mỏ kể từ tháng 12 nhưng Brussels đã không thể xử phạt các công ty vận tải biển của Hy Lạp vận chuyển dầu của Nga cho khách hàng trên toàn thế giới.
Các tàu của Hy Lạp hiện vận chuyển hơn 60% lượng dầu hàng hải xuất khẩu của Moscow. Phía EU đang dự tính đưa ra các lệnh cấm bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này.
Để đối phó, chính phủ Nga đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Nga. Nhưng không phải tất cả các bến cảng quốc tế đều chấp nhận bảo hiểm hàng hải của quốc gia này.
Tháng 4 năm nay, 68% lượng dầu xuất khẩu Nga trên các tàu chở dầu vẫn được các doanh nghiệp châu Âu cung cấp bảo hiểm. Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu dầu của Nga sẽ dẫn đến giá dầu toàn cầu thậm chí còn cao hơn nữa bởi Nga vẫn là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trên toàn cầu.
Với kế hoạch trần giá dầu của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), một biện pháp trừng phạt quan trọng cần thực hiện là chỉ cung cấp bảo hiểm vận chuyển cho các tàu chở dầu được mua với mức giá cụ thể.
Nếu có sự đồng thuận quốc tế về vấn đề này, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lệnh trừng phạt hoặc giảm đáng kể sản lượng dầu của mình. Nhưng để nhận được sự nhất trí của Ấn Độ và Trung Quốc dường như không phải vấn đề đơn giản.
Moscow phụ thuộc nhiều hơn
Gis Reports nhận thấy, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang phải chịu nhiều áp lực. Đơn cử như các mỏ dầu cũ của nước này đang cạn kiệt và có chi phí sản xuất cao nhất thế giới.
Điện Kremlin muốn tìm kiếm thêm các mỏ dầu mới ở Bắc Cực nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được với sự hỗ trợ kỹ thuật của các công ty dầu khí Mỹ như ExxonMobil và các công ty dịch vụ dầu mỏ như Halliburton, Schlumberger và Baker Hughes.
Áp lực kể trên đã cản trở khả năng duy trì sản lượng dầu của Nga trong trung hạn - thậm chí nhiều hơn nữa khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây tiếp tục gia tăng trong phần còn lại của năm 2022.
Nhà sản xuất khí đốt tư nhân lớn nhất của Nga - Novatek tuyên bố, sẽ không vận hành nhà máy LNG-2 ở Bắc Cực trước tháng 12/2023, chậm hơn so với kế hoạch một năm bởi lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ LNG của phương Tây.
Theo Gis Reports, Điện Kremlin đã "vũ khí hóa" sự phụ thuộc vào dầu khí của châu Âu. Nhưng việc EU cấm các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga và xuất khẩu các thiết bị liên quan đến năng lượng sẽ làm suy yếu nền tảng kinh tế Moscow và ngân sách nhà nước trong tương lai.
Vào đầu tháng 9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận rằng, việc giảm dòng chảy khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) không phải là một vấn đề kỹ thuật thuần túy.
Ông nói rõ, bất kỳ việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt nào của Nga đều phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, dù sự cố liên tục xảy ra với Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 trong tuần trước, khiến hai đường ống này không thể hoạt động trong tương lai gần, thì Nga vẫn có các đường ống khác để vận chuyển khí đốt qua châu Âu.
Với 83% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu, Moscow phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường châu Âu so với chiều ngược lại.
Mất nhà nhập khẩu dầu, khí đốt và than quan trọng nhất và không có khả năng chuyển hướng nhanh chóng xuất khẩu khí đốt sang châu Á, Điện Kremlin sẽ không thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính và nhập khẩu công nghệ cao trong ngắn hạn.
| Giải quyết khủng hoảng năng lượng châu Âu: Có gì đó sai, 'càng chữa càng cháy'? Hôm nay (30/9), người đứng đầu ngành năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp nhằm thảo luận các chi tiết kế hoạch ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Khi Nga thẳng tay cúp nguồn cung và ‘nhà giàu’ châu Âu được áp đặt luật chơi Gần đây, tàu chở LNG xuất phát từ các cảng ở miền Nam nước Mỹ đi vào kênh đào Panama về phía Đông Á lại ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Các biểu tượng ‘đốt’ tiền điện ở châu Âu có còn rực sáng? Trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, không phải là thời điểm để “đốt” tiền điện, dù đó là những công trình mang tính biểu ... |
| Nga-EU: ‘Ván bài’ khí đốt phản tác dụng, châu Âu lao đao trong vòng xoáy kinh tế Một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong nhiều thập niên đang diễn ra trên khắp thế giới. Dường như cuộc khủng hoảng ... |
| Nord Stream 2 vẫn là tia hy vọng mong manh của Nga và sự tiếc nuối của châu Âu? Mùa Đông 2022 không chỉ là một mùa Đông khó khăn ở phía trước đối với châu Âu, mà phải là ít nhất hai hoặc ... |