Điện Kremlin từng nói rằng, Nga sẽ được hưởng lợi từ những hạn chế của phương Tây vì chúng sẽ giúp 'tăng cường chủ quyền kinh tế và tài chính'. (Nguồn: Istock) |
Trên trang Euro News, tác giả cho hay, vào ngày 29/3, Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng, các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong trung hạn.
Nhưng vào những thời điểm khác, Điện Kremlin cũng từng nói rằng, Nga sẽ được hưởng lợi từ những hạn chế của phương Tây vì chúng sẽ giúp "tăng cường chủ quyền kinh tế và tài chính". Vậy liệu Nga có thể bù đắp cho những mối quan hệ đã bị cắt đứt với phương Tây thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước khác?
Xoay trục về phía Đông
Một trong những mục tiêu chính của lệnh trừng phạt của phương Tây là nguồn tài nguyên năng lượng phong phú của Nga. Rất nhanh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã tìm cách giảm nhập khẩu các mặt hàng năng lượng từ Moscow càng nhiều càng tốt.
Vào tháng 3, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, "sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga đã là dĩ vãng". Việc cung cấp khí đốt từ Nga đã giảm 80% và EU đã xoay sở để bù đắp bằng cách sử dụng các nguồn khác.
Điện Kremlin tuyên bố sẽ bù đắp cho những thiệt hại của mình bằng cách "quay sang phương Đông" - bằng cách định hướng lại xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước châu Á.
Năm ngoái, những người mua dầu lớn nhất của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, Ấn Độ hầu như chưa bao giờ mua dầu của Nga trước chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, có ít quốc gia mua hàng từ Moscow hơn nên những nước mua hàng có thể đưa ra các điều khoản của riêng. Đơn cử như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua dầu của Nga vì giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Hơn nữa, "chuyển sang phương Đông" chỉ liên quan đến dầu mỏ. Nga vẫn chưa thể bù đắp thiệt hại trong xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Theo các nhà phân tích, năm ngoái, xuất khẩu khí đốt qua đường ống đã giảm 45% và năm nay có thể giảm 90% so với năm 2021. Đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 (Sức mạnh của Siberia 2) đến Trung Quốc vẫn đang được xây dựng.
Nhìn từ Iran
Theo tác giả Iran là một quốc gia đã "sống cùng" lệnh trừng phạt trong bốn thập niên. Trong bối cảnh đó, Tehran đã phát triển mối quan hệ với Moscow và thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn vào đầu năm 2022.
Theo chính phủ Iran, Nga đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này vào năm 2022, với 2/3 khoản đầu tư đến từ Moscow. Đất nước của Tổng thống Putin đã đầu tư khoảng 2,8 tỷ Euro vào các dự án công nghiệp, khai khoáng và giao thông.
Vấn đề với mối quan hệ Moscow-Tehran là hai nước không có nhiều điều để cung cấp cho nhau. Nguồn doanh thu chính của cả hai quốc gia nằm ở việc bán hydrocarbon.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Marshall của Mỹ (GMF), TS. Ian O. Lesser nhận định: "Nỗi sợ hãi về các biện pháp trừng phạt từ phương Tây là một sự cản trở lớn đối với các mối quan hệ kinh tế lâu dài với Nga. Các nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ rất lo lắng về các khoản đầu tư của họ vào quốc gia này, cũng như các biện pháp trừng phạt mà họ có thể phải gánh chịu khi làm điều đó".
Thổ Nhĩ Kỳ - "sân khấu" giúp Nga lách trừng phạt
Tác giả ối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần thay đổi trong những năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, nhưng nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Điện Kremlin và không cắt đứt các tuyến giao thông với Nga. Kết quả là, một năm trước, Ankara đã trở thành một "trung gian vận chuyển" trên thực tế giữa Nga và phương Tây.
Theo một số quan chức phương Tây, đất nước này là một "sân khấu" để giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Nhiều thông tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tái xuất hàng hóa bị cấm vận sang Nga.
Ankara phủ nhận những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ và lo sợ các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ Washington, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần bắt đầu tuân theo ít nhất một số hạn chế.
Ngay từ mùa Thu năm ngoái, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng phục vụ thẻ của hệ thống thanh toán Mir của Nga.
Vào giữa tháng 3/2023, nhà chức trách hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, theo yêu cầu của Mỹ, họ sẽ ngừng bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu cho các máy bay do Mỹ chế tạo đã đăng ký tại Nga và Belarus.
TS. Lesser nhấn mạnh: "Nga rõ ràng đang tìm kiếm những cách hiệu quả để đưa một số hàng hóa không bị cấm vận, hoặc thậm chí một số hàng hóa bị trừng phạt, thông qua các thị trường toàn cầu. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho phần lớn vụ việc này".
Về phía Nga, nước này đã thảo luận về khả năng "sử dụng" các biện pháp trừng phạt để thay đổi cơ bản cấu trúc ngoại thương, tránh xuất khẩu nguyên liệu thô và để hiện đại hóa nền kinh tế.
TS. Lesser lập luận rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến quá trình này trở nên vô cùng khó khăn.
Nga-Trung Quốc có thực sự khăng khít?
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow vào cuối tháng 3/2023 được nhiều phương tiện truyền thông Nga coi là "sự kết thúc quyền bá chủ của Mỹ".
Tổng thống Putin thậm chí không loại trừ khả năng Nga sẽ ngày càng chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán ngoại thương, từ bỏ đồng USD và đồng Euro. Và theo Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong ngoại thương của Nga vào năm 2022 đã tăng từ 0,5% lên 16%.
Moscow kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ có thể thay thế phần lớn các mối quan hệ thương mại xuất khẩu và nhập khẩu với phương Tây.
Tuy nhiên, phương Tây tin rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình không phải là sự mở rộng hợp tác kinh tế quy mô lớn. Hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố về việc phát triển quan hệ đối tác cho đến cuối thập niên, nhưng không có dự án quy mô lớn cụ thể nào được báo cáo.