Trụ sở OPCW ở Den Haag, Hà Lan. (Nguồn: Reuters) |
Theo ông Tarabrin, kết quả điều tra được tiến hành trên cơ sở phòng thí nghiệm phân tích hóa học của Bộ Quốc phòng Nga đã được OPCW công nhận.
Kết quả cũng tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của OPCW đối với Ban Thư ký kỹ thuật và đã công bố cho các quốc gia thành viên vào ngày 3/10, ngay trước Phiên họp thứ 107 của Hội đồng điều hành OPCW. Ông Tarabrin yêu cầu thông tin này phải được xem xét một cách nghiêm túc nhất có thể.
Sau đó, ngày 7/10, Trung tướng Igor Kirillov - Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga - tuyên bố, quân đội nước này đã công bố sự thật về việc Ukraine sử dụng vũ khí hóa học bí mật dưới vỏ bọc là đạn khói ở tỉnh Kursk hồi tháng 8.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS đưa tin, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã kêu gọi Washington ngừng bao che và "hùa theo các hành động khiêu khích của Kiev một cách tàn nhẫn với mong muốn hão huyền gây ra 'thất bại chiến lược' cho Nga".
Phát biểu với Tạp chí Newsweek, cơ quan đại diện này nhấn mạnh: "Thay vì bảo trợ cho Ukraine đang vật lộn trong đau khổ, chính quyền Mỹ nên đánh giá nghiêm túc về những gì đang xảy ra và những nguy cơ phát sinh từ 'chủ nghĩa khủng bố bằng vũ khí hóa học'".
Theo cơ quan ngoại giao, dữ liệu tình báo cho thấy "Ukraine đang lên kế hoạch dàn dựng một loạt hành động khiêu khích chống Moscow liên quan việc sử dụng vũ khí hóa học trong khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt".
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc quân đội Ukraine tiếp tục sử dụng chất độc chống lại lực lượng Nga và dân thường.
Bà dẫn chứng dữ liệu từ các cơ quan đặc nhiệm của Moscow rằng, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cung cấp cho Ukraine hơn 70 thiết bị kỹ thuật để xác định chất độc trong giai đoạn từ tháng 7-9/2024.