📞

Nga-Iran cùng 'chí hướng', tính chuyện thâu tóm thị trường năng lượng toàn cầu?

Minh Anh 16:46 | 31/12/2022
Khi hai siêu cường năng lượng Nga-Iran “bắt tay”, chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trên thị trường năng lượng thế giới. Họ có khả năng kiểm soát, nắm thị trường dầu mỏ toàn cầu trong “lòng bàn tay”, nếu muốn.
'Không có gì ngoài dầu mỏ và khí đốt', Nga-Iran tính bắt tay thâu tóm thị trường năng lượng toàn cầu? (Nguồn: Gulfif.org)

Giới phân tích cho rằng, “cặp đôi hoàn hảo” này dư sức tạo nên một sự kìm kẹp hoặc có thể áp đặt lên các nguồn cung cấp dầu và khí đốt của thế giới, nếu họ muốn làm như vậy. Một hoặc nhiều quốc gia ở đâu đó sẽ sớm gặp rắc rối nghiêm trọng.

Mạng tin Oilprice bình luận, khi các quan chức cấp cao của Nga hay Iran nói rằng quan hệ hai nước đang ở giai đoạn "kỷ nguyên vàng", đó là điều không thể xem thường.

Bình luận "kỷ nguyên vàng" của Bộ trưởng Bộ Xăng dầu Iran Javad Owji được phía Nga hưởng ứng và củng cố thêm, khi quan chức Nga khẳng định, hai nước quyết tâm tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực. Một khi có cùng chí hướng, hai nước có thể áp đặt ảnh hưởng lớn đối với nguồn cung dầu mỏ và khí đốt thế giới.

Iran có trữ lượng dầu mỏ được thẩm định ở mức 157 tỷ thùng, chiếm 10% trữ lượng cả thế giới và 13% trữ lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trữ lượng dầu “khủng” như vậy nhưng vẫn không thể sánh được với nguồn lợi khí đốt còn “khủng hơn”, với trữ lượng ước tính vào khoảng 1.193 nghìn tỷ feet khối (Tcf), chỉ đứng sau Nga – nước chiếm 17% trữ lượng khí đốt toàn cầu với 1,688 triệu tỷ feet khối và hơn 1/3 của thế giới.

Ngoài khí đốt, Nga cũng có trữ lượng dầu mỏ được xác định ở mức 80 tỷ thùng và luôn nằm trong danh sách ba nước hàng đầu về sản lượng khai thác dầu thô, có thể dễ dàng đạt công suất tối thiểu 10,5 triệu thùng/ngày với các sản phẩm xăng dầu.

Nga, ngoài việc nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới ở mức 1.688 Tcf, còn có ít nhất 80 tỷ thùng trữ lượng dầu đã được xác định và là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu trong nhiều năm, có thể dễ dàng đạt công suất tối thiểu 10,5 triệu thùng mỗi ngày với các sản phẩm xăng dầu và nhiên liệu lỏng khác.

Một nguyên nhân kìm hãm sản lượng dầu thô của Iran chính là công suất khai thác thấp tại các giếng dầu. Tỷ lệ thu hồi dầu trong khai thác tại Iran thường chỉ ở mức 4-5%.

Vấn đề không nằm ở tính chất khó khăn, phức tạp của quy trình thu hồi dầu, bởi nguồn dầu từ đa phần các giếng tại Iran đều thuộc diện dễ khai thác, tương tự như giếng dầu ở Iraq hay Saudi Arabia.

Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu hồi dầu thấp là do tác động của các lệnh trừng phạt mà Iran phải hứng chịu kể từ sau vụ bắt giữ con tin ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979. Các biện pháp trừng phạt này được siết chặt thêm một bước khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018.

Lệnh cấm vận ngăn cản Iran tiếp cận với các công nghệ, thiết bị mới nhất để nâng tỷ lệ thu hồi dầu tại các giếng. Hệ quả là chỉ có các công ty trong nước có mối liên hệ với Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) mới có thể tiếp cận với các thiết bị dạng này.

Trước thời điểm ký kết JCPOA hồi tháng 7/2015, một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đã chuẩn bị hoàn tất ký kết thỏa thuận phát triển với Iran và khẳng định hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ thu hồi dầu lên ít nhất 12,5% trong 12 tháng và đạt tối thiểu 25% trong 12 tháng kế tiếp.

Với việc được tiếp cận không hạn chế với công nghệ và thiết bị của Nga, Iran có thể tăng nhanh tỷ lệ thu hồi dầu tại các giếng. Các khâu chuẩn bị đã được Nga và Iran chuẩn bị trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hồi tháng 1/2022, hai bên ký thỏa thuận hợp tác thời hạn 20 năm, với nhiều điều khoản về phát triển các mỏ dầu, khí đốt, xây dựng cơ sở lọc dầu và chuyển giao công nghệ.

Nền tảng này được củng cố thêm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm đáp lễ tới Tehran tháng 7/2022. Hai nước ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa Công ty dầu mỏ quốc gia Iran (INOC) và Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga-Gazprom trị giá 40 tỷ USD.

Theo đó, Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars với mức đầu tư 10 tỷ USD. Tập đoàn Nga cũng sẽ hỗ trợ Iran hoàn thành các dự án khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt.

Trước thời điểm Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Nga cũng đã gần như hoàn tất tham gia, nắm quyền kiểm soát nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ, khí đốt ở Iran.

Đầu tiên là thỏa thuận của GazpromNeft về nghiên cứu khả thi tại mỏ Changouleh và Cheshmeh-Khosh, kế đến là Zarubezhneft tại các mỏ Paydar Gharb và Tatneft đối với mỏ Dehloran. Đây chỉ là một phần trong MoU 22 điểm ký giữa Thứ trưởng Bộ Xăng dầu Iran Amir-Hossein Zamaninia và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov tại thời điểm đó.

Ngoài ra, còn có nhiều nội dung hợp tác về vận chuyển khí đốt, hoạt động mua bán hoán đổi xăng dầu, nghiên cứu về nguồn cung và quảng bá các sản phẩm xăng dầu, chế tạo thiết bị giữa Nga và các công ty cơ khí Iran, chuyển giao công nghệ trong ngành lọc dầu.

(theo Oilprice, Gulfif)