EU đã quyết định kéo dài trừng phạt Nga đến giữa tháng 9/2016. (Nguồn: RT) |
Theo thông tin được đăng tải trên tờ Independent mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã chính thức kéo dài lệnh trừng phạt đối với 146 công dân và 37 công ty của Nga đến giữa tháng Chín năm nay. Trước đó, Mỹ cũng đã quyết định gia hạn biện pháp chống Nga cho đến khi chính quyền mới ra mắt (3/2017). Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, việc kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ không còn tác động mạnh, cũng như gây tổn hại thực sự cho quốc gia này.
Đại diện thường trực các nước EU đã nhất trí thông qua gói biện pháp hạn chế Nga. Sau đó, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã chính thức thông qua quyết định và nội dung này đã được công bố chính thức. Tờ Business Insider lưu ý rằng, ngoài việc tiếp tục hạn chế đối với các cá nhân, châu Âu sẽ bổ sung biện pháp trừng phạt kinh tế Nga trong các lĩnh vực quốc phòng, tài chính, năng lượng và điều này sẽ khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin không khỏi tức giận.
Trong lần kéo dài biện pháp trừng phạt này, châu Âu tiếp tục áp dụng việc trừng phạt những cá nhân bị cho là đã góp phần kích động xung đột ở Ukraine, bao gồm cả các công dân Nga và một số người Ukraine ở các nước cộng hòa tự xưng tại miền Đông nước này. Ba trong số 146 người đã bị loại khỏi danh sách vì họ đã chết. Số còn lại vẫn tiếp tục bị cấm nhập cảnh EU và bị đóng băng tài sản của họ tại EU.
Trong "danh sách đen" này có cả Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Cố vấn Tổng thống Nga Sergei Glazyev, cũng như một người bạn cũ của Tổng thống - tỷ phú Arkady Rotenberg. Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Nga Rogozin đã lên tiếng về quyết định trên khi phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Nhà nước về phát triển vùng Bắc Cực, diễn ra tại Murmansk. Ông Rogozin khẳng định không nên quan tâm đến quan điểm của Mỹ và EU trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga, bởi các lệnh trừng phạt này sẽ tồn tại "mãi mãi".
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đặt câu hỏi, tại sao trong khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về việc EU và Mỹ đang xem xét dỡ bỏ cấm vận đối với Nga, thì EU tiếp tục gia hạn thêm sáu tháng, còn Mỹ đến tháng 3/2017?
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, không nên coi nặng quyết định của EU, bởi đây chỉ là kéo dài trừng phạt các cá nhân và các tổ chức, mà không nhằm trực tiếp chống lại nước Nga và nó sẽ khó có khả năng tiếp tục gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là, các động thái lúc này của phương Tây sẽ không thể ảnh hưởng đến nước Nga.