Kinh tế Nga có thể bị ảnh hưởng khi phương Tây khắt khe với lĩnh vực năng lượng của nước này. (Nguồn: AFP) |
Quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử
Khi Điện Kremlin bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và hàng chục đồng minh đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm làm tê liệt nền tài chính, cô lập nền kinh tế của nước này.
Tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt có vẻ nguy hiểm, khiến đồng Ruble sụp đổ, hệ thống ngân hàng rung chuyển và các công ty trên toàn thế giới ngừng xuất khẩu hàng hóa quan trọng sang Nga.
Nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia về Nga đã viết trong một báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận Free Russia Foundation công bố vào tháng 1/2023 rằng, chỉ riêng với hơn 3.000 cá nhân và tổ chức bị Mỹ nhắm tới, Nga có thể là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử.
Một năm qua, phương Tây đã đóng băng một phần lớn dự trữ ngoại tệ mạnh của Nga, trừng phạt các tổ chức tài chính và loại trừ các ngân hàng lớn ra khỏi SWIFT. Các biện pháp này đã gây ra sự hoảng loạn về tài chính, khiến người Nga xếp hàng dài bên ngoài các máy ATM vì lo sợ đồng Ruble sụp đổ và thiếu tiền mặt.
Cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov đã tuyên bố trên Twitter rằng, việc đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương sẽ khiến chính phủ không có phương tiện hỗ trợ đồng Ruble. Ông nói: "Họ sẽ bật máy in. Siêu lạm phát và thảm họa đối với nền kinh tế không còn xa".
Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu của phương Tây ban đầu cũng đã đóng băng phần lớn thương mại của thế giới với Nga, gây ra sự sụt giảm trong nhập khẩu của nước này.
Nhưng các biện pháp đối phó nhanh chóng của Ngân hàng trung ương Nga đã sớm khôi phục lại một mức độ ổn định. Ngân hàng này đã tăng lãi suất cơ bản lên 20% và áp đặt các hạn chế hà khắc đối với việc trao đổi tiền tệ, rút tiền và chuyển tiền cứng ra nước ngoài. Các biện pháp đã đảo ngược sự trượt giá của đồng Ruble.
Một năm sau, Nga vẫn kiên cường hơn nhiều người mong đợi nhờ xuất khẩu dầu, điều hành khéo léo của ngân hàng trung ương và sự phục hồi gần đây trong thương mại với Trung Quốc.
Ông Sergey Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga cho hay: “Thay vì tăng trưởng, kinh tế Nga có một sự suy giảm. Nhưng nói tất cả những điều đó không phải là sự sụp đổ, không phải là một thảm họa".
"Vận may" sắp cạn kiệt?
Tuy nhiên, The Washington Post nhận định, có những dấu hiệu cho thấy, "vận may" của Tổng thống Putin có thể bắt đầu cạn kiệt, khi các nước phương Tây áp đặt các giới hạn khắt khe đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, điều mà ban đầu họ đã tránh vì sợ rằng nó sẽ làm tê liệt kinh tế châu Âu và làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu.
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Nga, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022. Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người khác đã bác bỏ ý tưởng này vì lo ngại rằng điều đó sẽ khiến kinh tế châu Âu chìm trong bóng tối.
Việc châu Âu tiếp tục mua năng lượng đã giúp tạo ra một khoản tiền lớn cho Nga, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu tăng mạnh.
Đến tháng 6/2022, Liên minh châu Âu đã thông qua biện pháp cấm hầu hết dầu nhập khẩu của Nga bắt đầu từ ngày 5/12/2022 và cấm các công ty Liên minh châu Âu (EU) bán bảo hiểm hoặc tài trợ cho các chuyến hàng dầu của Nga tới bất kỳ nơi nào trên toàn thế giới.
Giá trần dầu mỏ Nga cũng được các nước phương Tây nhất trí thông qua. Mức giá trần áp dụng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga là 60 USD/thùng.
Mới nhất, ngày 5/2, EU tiếp tục bổ sung lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga.
Kể từ đầu tháng 12/2022, những hạn chế mới đối với xuất khẩu dầu của Nga đã khiến thâm hụt ngân sách của nước này gia tăng. Điện Kremlin phải thực hiện các biện pháp tăng thu khẩn cấp và góp phần làm đồng Ruble mất giá 19%.
Đối với phần lớn giới thượng lưu Nga, các biện pháp trừng phạt cũng đã phá vỡ ba thập niên xây dựng đế chế và hội nhập với phương Tây.