📞

Nga, Mỹ cạnh tranh phát triển UAV chống tàu ngầm

Trung Hiếu 18:14 | 20/04/2021
Gần đây, các phương tiện truyền thông của Nga đã viết về những phát triển đầy hứa hẹn của Mỹ và Nga trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chống tàu ngầm dành cho lực lượng không quân của hải quân. Cả hai nước đều đặt cược vào các phương tiện bay không người lái (UAV).
Máy bay không người lái (UAV) của Nga. (Nguồn: militaryrussia.ru)

Tháng 11/2020, Tập đoàn General Atomics của Mỹ đã giới thiệu dự án trang bị phao thủy âm cho UAV tấn công và trinh sát MQ-9B SeaGuardian để chống tàu ngầm.

Trong các cuộc thử nghiệm vào tháng 1 năm nay, dự án đã hoàn thành nhiệm vụ lắp đặt các phao thủy âm để phát hiện và theo dõi mục tiêu dưới nước. Mỹ lập kế hoạch lắp đặt các thiết bị tìm kiếm khác trên UAV SeaGuardian, bao gồm cả radar để trong tương lai sử dụng chúng như UAV săn ngầm hạng nhẹ.

Cạnh tranh với Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga cũng đang có kế hoạch sử dụng UAV được trang bị các phương tiện phát hiện tàu ngầm và vũ khí chống tàu ngầm trong các cuộc tấn công tổng lực. Những UAV này có thể được phóng từ các sân bay trên mặt đất hoặc từ tàu trên biển.

Việc điều khiển những phương tiện này dự kiến được tiến hành từ các trạm chỉ huy đặt ở trên tàu và trên không nhờ sử dụng tích cực các khả năng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; tiêu diệt mục tiêu một cách độc lập hoặc dẫn mục tiêu cho vũ khí chống hạm phóng từ các phương tiện khác.

Nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nền tảng tiềm năng để tạo ra những thiết bị như vậy đang được nghiên cứu.

Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Boltenkov: “UAV chống tàu ngầm phải có bán kính bay lớn và khả năng ở trên không trong thời gian dài. Để truy tìm tàu ngầm, UAV cần có khả năng thả các phao sonar và nhận tín hiệu từ chúng, sau đó tự xử lý hoặc gửi kết quả tới một máy bay chuyên dụng khác".

Còn chuyên gia Boltenkov cho rằng, UAV săn ngầm nên mang theo ngư lôi (ít nhất một quả). Trong số các UAV hạng nặng của Nga, chỉ có UAV tàng hình S-70 Okhotnik với trọng lượng cất cánh 20 tấn, hoặc UAV Altius-RU với trọng lượng cất cánh khoảng 6 tấn, trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt (nó có thể bay 1 ngày không nghỉ) mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ này.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Đại tá Makar Aksyonenko, Phó tiến sĩ Khoa học quân sự Nga, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không quân sự, lưu ý rằng, các thiết bị chống lại tàu ngầm là một vấn đề phức tạp, vấn đề này không thể được giải quyết chỉ bằng việc sử dụng những UAV.

“Vấn đề không phải là liệu UAV có thể được sử dụng để chống tàu ngầm hay không. Xét cho cùng, các chuyên gia thậm chí không nên tạo ra UAV mới mà có thể biến những chiếc máy bay chống ngầm hiện có thành 'robot bay' được trang bị đủ loại thiết bị điện tử" chuyên gia này nhận định.

(theo Sputnik)