📞

Nga - Mỹ: Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

21:44 | 04/10/2016
Trong khi giới chức Mỹ tuyên bố ngừng đàm phán với Nga về vấn đề ngừng bắn tại Syria thì Tổng thống Nga Putin cũng ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận về loại bỏ plutoni cấp độ vũ khí với Mỹ.

Giới chức Mỹ ngày 3/10 cho biết Washington đã ngừng các kênh liên lạc song phương với Moscow về cuộc khủng hoảng Syria.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow "thất vọng" về quyết định này và cáo buộc Mỹ tìm cách đổ lỗi cho Nga về những thất bại của Mỹ ở Syria.

“Không còn gì để nói”

Các quan chức Mỹ đã đe dọa rút khỏi tiến trình hòa bình Syria, sau khi thỏa thuận ngừng bắn, thành quả đàm phán của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, sụp đổ do các bên cáo buộc có sự vi phạm thỏa thuận.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng "giữa Mỹ và Nga không còn gì để nói về vấn đề Syria”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Moscow đã có những nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 9/9 và nhiều lần thúc giục Washington thực hiện nghĩa vụ của mình.

Một cậu bé đang nhặt những vật dụng gia đình còn sót lại trong đống đổ nát sau một trận không kích. (Nguồn: Washington Post)

"Điều đó cho thấy Washington đã thất bại trong việc thực hiện các cam kết chính được thống nhất trong thỏa thuận nhằm giảm bớt tình hình khủng hoảng nhân đạo cho người dân ở Aleppo", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói. "Và giờ đây, rõ ràng, sau khi thất bại trong việc thực hiện những thỏa thuận mà chính họ vạch ra, họ [Mỹ] đang cố gắng đổ lỗi".

Trong bối cảnh căng thẳng, Mỹ đang rút nhân sự được phái cử để thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm hành động chung (JIC – được thành lập theo Thỏa thuận ngừng bắn), báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ. Theo thỏa thuận, JIC dự định được đặt tại Geneva, Thụy Sỹ, với mục đích phối hợp hợp tác quân sự và chia sẻ tình báo giữa Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Trước đó, Washington đã tính đến chuyện thành lập JIC, tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford, nói với các nhà lập pháp rằng Mỹ "không có ý định có một thỏa thuận chia sẻ tình báo với người Nga".

Không như kỳ vọng

Phản ứng với các động thái từ phía Mỹ, hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Putin quyết định đình chỉ sự tham gia của Moscow trong một chương trình xử lý plutonium từ các đầu đạn hạt nhân ngừng hoạt động, với lý do có sự "thay đổi cơ bản về môi trường, đe dọa tới sự ổn định chiến lược do các hành động thù địch của Mỹ đối với Nga, và do Mỹ thiếu khả năng trong việc xử lý plutonium theo các điều ước quốc tế".

Nhà Trắng gọi đây là quyết định "đáng thất vọng".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nói với các phóng viên hôm thứ Hai, tuyên bố rằng Nga đã không thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận ngừng bắn.

Khi được các phóng viên hỏi liệu Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình để tách cái gọi là lực lượng ôn hòa khỏi những kẻ khủng bố, Trudeau trả lời: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã làm".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, "chủ nhân" của Thỏa thuận ngừng bắn bị đổ vỡ ở Syria. (Nguồn: EPA)

"Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán chi tiết với phe đối lập, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại nhóm khủng bố Al-Nusra", phát ngôn viên Trudeau nói, làm rõ lập trường chính thức của Washington rằng "Nusra là Al-Qaeda, là một tổ chức khủng bố".

Trọng tâm chính của Washington tại Syria là cuộc chiến chống IS và "giúp đỡ những người cần được giúp đỡ ở Syria", Trudeau nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, Max Abrahms, chuyên gia về chống khủng bố tại Đại học Northwestern, Mỹ nói với RT: "Đây là điều chính mà Mỹ hứa sẽ làm, và Mỹ thẳng thắn thừa nhận đã không làm được điều đó".

Mặt khác, với việc ký thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ mong muốn Nga sẽ gây ảnh hưởng đến chính phủ Syria để chính quyền nước này tạm dừng các hoạt động chống lại các phiến quân được Mỹ hậu thuẫn. "Điều đó thực sự đã không xảy ra”, Abrahms nói. Ông Abrahms nói thêm rằng ông muốn có sự hợp tác tiếp tục giữa Mỹ và Nga để đánh bại những kẻ khủng bố.

Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho rằng các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ ở Syria đã gây ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Các biện pháp trừng phạt là "cực đoan nhất và có tác động sâu rộng". Trong khi đó, có nguồn tin cho biết phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những vấn đề nhân đạo nào phát sinh ở Syria đều do chính phủ Syria".

(theo RTnews, Independent)