Mùa thi, nhiều bạn trẻ đang chạy đua để vào đại học. (Nguồn: Thanh niên) |
Thực ra, trên cuộc đời này không ai không từng trải qua những thất bại, đổ vỡ, gặp những bất trắc trong cuộc sống. Do vậy, học cách thất bại, đối diện với thất bại cũng là một bài học lớn cho mỗi người, để không buồn quá lâu, vì như thế mình sẽ đau nhiều hơn, sẽ không còn sức để đứng dậy nữa.
Ông bà mình nói “thất bại là mẹ của thành công” để chỉ sự thất bại chính là bài học để tránh những rủi ro về sau, giúp ta có thêm kinh nghiệm, rút ra được những hướng đi mới an toàn, đúng đắn hơn - đó là những điều kiện cần và đủ để đạt được những mục tiêu, thành công trong sự nghiệp.
Có thi thì phải có đậu, có rớt, tuy nhiên, chưa đỗ không hẳn là thất bại, mà biết đâu nhờ vậy ta nhận ra một hướng khác cho cuộc sống mình. Cả xã hội lao xao tìm kiếm bằng cấp, trang bị học vấn cao như một cách cho thấy mình thành công, nhưng nào biết chính vì thế mà áp lực lên vai người trẻ rất nhiều, để họ phải cố làm điều mà đôi khi họ không thích, không thuộc sở trường của mình.
Thực tế cuộc sống chứng minh rằng, tri thức rất quan trọng nhưng tri thức không có nghĩa là cố định theo hướng anh phải đậu đại học, phải học đại học thì mới có tri thức, mới có thể thành công.
Thành công, thiết nghĩ chỉ thực đến đối với những ai làm việc phù hợp với năng lực, đúng như yêu thích của mình. Vì vậy, chọn một hướng đi thích hợp để sống và làm chính là chọn điều kiện để thành công.
Khi một người phù hợp với nhà nông mà bắt phải học để làm kế toán, ngồi bàn giấy thì sao có thể thành công được, sao có thể có niềm vui trong công việc? Người có năng khiếu nghệ thuật mà bắt giỏi toán, giỏi hóa đâu có dễ?
Và, như thế là lãng phí, là đặt sai vị trí khiến cho công việc và cuộc đời người ấy trì trệ hơn, đó là chưa nói tới việc, biết đâu họ sẽ làm sai, gây tổn hại không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội.
Làm lại từ đầu hoặc chọn lại nghề mình thích sau khi bị “ép” phải theo những ngành mà “theo ba mẹ là tốt” đã được nhiều bạn trẻ mạnh dạn tiến hành, dù có nhiều khó khăn do phản đối từ phía gia đình.
Nếu chọn và dũng cảm sống với chọn lựa của mình thì ta cần chứng minh, tin vào cuối con đường phù hợp thì mình sẽ có thành công, dù biết có thể bước đầu sẽ cam go dữ lắm.
Đường đến giảng đường là lối đi rộng nhưng trở nên hẹp vì ai cũng muốn chen vào do định kiến của xã hội, phải học đại học.
Vì thế, xã hội đã... lùa người trẻ vào những ảo vọng của bản thân và rồi những hệ lụy có thể xảy ra bởi nguy cơ học nhiều nhưng việc làm chưa đáp ứng, đào tạo với chỉ tiêu cao nhưng thực chất của việc đào tạo không cao khiến người học ra trường gần như khó đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Đã cố gồng mình để học vì đó không phải là nguyện vọng đúng nhất của bản thân - từ thôi thúc của chính mình nên khi đi làm cũng sẽ gồng mình, mà làm như thế thì quả thật, khó có thành công.
Tôi nghĩ, thành công nhất của mỗi người chính là làm gì cũng được, miễn bạn có niềm vui và có đóng góp. Đóng góp đâu phải chỉ có vật chất mà sự an vui trong cuộc sống thường ngày mới là đóng góp lớn nhất. Bởi, nếu tạo ra nhiều vật chất, nhiều bằng đại học được cấp, nhiều cử nhân ra trường... mà họ không có hạnh phúc thực sự thì cũng không để làm gì, đó là một sự thất bại của cả xã hội.
Do vậy, cần thay đổi cái nhìn và định hướng cho người trẻ trong việc bước vào đời. GS Howard Gardner - Đại học Harvard đã nêu ra lý thuyết về 8 năng lực tư duy của con người, để định hướng mỗi người sống, học tập, lao động thích hợp, gồm lý luận toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, vận động thân thể, thiên nhiên, giao tế giữa cá nhân và hiểu rõ nội tâm cá nhân.
Chính vì thế, ở phương Tây, có những bạn trẻ thành công ở các lĩnh vực khác nhau, tất cả đều bước lên đỉnh cao do phát hiện, định hướng sớm năng lực, sở trường ngay từ nhỏ. Nhiều người Việt mình bước lên đỉnh cao cũng chính nhờ sống, học tập, làm việc trong một môi trường phù hợp để phát huy được năng lực bản thân.
Thực tế, không ít phụ huynh muốn con mình hướng duy nhất là... đại học, cho rằng đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn bị gò vào “học tự nhiên” để dễ kiếm việc, lạnh nhạt với chuyên ban khoa học xã hội vì sợ thất nghiệp khi ra trường.
Trong khi đó, thực tế lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn có nhiều người thành công, đúng chuyên môn cũng “hái ra tiền”, đặc biệt có niềm vui trong công việc.
Có lẽ vì thế mà ở ta, người trẻ khi không đỗ đại học đã dễ nghĩ quẩn, đã mất hết ý chí hoặc phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm hướng đi khác cho đời mình một cách miễn cưỡng. Đó là điều đáng tiếc.
Thất bại cũng phải học, nhưng trước tiên, phải nhận diện được thế nào là thất bại đã. Vì có khi đậu đại học là thất bại vì không thực chất, do chọn ngành không hợp... hơn là học trung cấp hoặc về làm anh nông dân giỏi.
| Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Ngành y tế cả nước đang chao đảo Tại hội trường, cũng như bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã nhiều lần nói về ... |
| Lộ trình giảm điểm ưu tiên xét tuyển đại học có gì mới? Đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học sẽ được giảm dần đều cho đến khi ... |