📞

Nga – Mỹ: Những cuộc gặp lịch sử

09:31 | 10/07/2017
Các cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của hai siêu cường này thường có tính chất lịch sử và định hình tương lai của thế giới.

Những cuộc gặp này luôn là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Và ngày 7/7, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp như thế với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong bối cảnh mối quan hệ Washington – Moscow đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Trump từng nói ông muốn tìm cách hợp tác với lãnh đạo Nga Putin. Đây được coi là một mục tiêu khó khăn do những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề về Syria và Ukraine, cũng như các cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 7/7 tại Hamburg, Đức. (Nguồn: Reuters)

Dưới đây là một số cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, từ các cuộc thể hiện mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" đến các cuộc mang tính đột phá về ngoại giao.

Joseph Stalin - Theodore Roosevelt

Cuộc gặp diễn ra tại Đại sứ quán Liên Xô ở thủ đô Tehran (Iran) vào năm 1943. Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh với mục tiêu sắp xếp lại trật tự châu Âu thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Từ trái sang: Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Tehran (Iran) năm 1943. (Nguồn: Pinterest)

Cuộc họp kịch tính này càng gây chú ý khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới là mục tiêu của một âm mưu ám sát do gián điệp Đức quốc xã Otto Skorzeny, bí danh "người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu", thực hiện. Tuy nhiên, điệp viên Liên Xô Gevork Vartanyan đã chặn đứng âm mưu trên. Còn hai nhà lãnh đạo Stalin và Roosevelt đã thiết lập được mối quan hệ tốt tại hội nghị này. Các phương tiện truyền thông Mỹ thì miêu tả lãnh đạo Nga một cách khá thiện cảm.

Dwight D. Eisenhower - Nikita Khrushchev

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Liên Xô đến Mỹ vào năm 1959. Ông Khrushchev và Tổng thống Mỹ Eisenhower đã đạt được thỏa thuận chung trong một số vấn đề, tạo ra tín hiệu lạc quan cho việc cải thiện mối quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower (bên trái) và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Trại David năm 1959. (Nguồn: LinkedIn)

Thông cáo chung cho thấy, hai nhà lãnh đạo đều "đồng ý rằng các cuộc thảo luận này có ý nghĩa trong việc làm rõ quan điểm của hai bên về một số vấn đề". Hai nhà lãnh đạo cũng hy vọng điều này sẽ mang đến "nền hòa bình thực sự và bền vững".

Tuy nhiên, niềm hy vọng mau chóng bị dập tắt khi Liên Xô bắn rơi máy bay do thám U-2 của Mỹ và bắt điệp viên Francis Powers cũng là phi công điều khiển máy bay này vào tháng 5/1960.

John F. Kennedy - Nikita Khrushchev

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Vienna (Áo) vào tháng 6/1961. Cuộc gặp được đánh giá là “lạnh lẽo nhất trong Chiến tranh Lạnh”.

Tổng thống Kennedy muốn tập trung vào hồ sơ nguyên tử. Trong khi đó, lãnh đạo Liên Xô Khrushchev muốn Nhà Trắng giải quyết dứt điểm về quy chế của Tây Berlin, công nhận hai nước Đông và Tây Đức.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (bên phải) và Tổng thống Mỹ John F Kennedy tại Vienna, Áo. (Nguồn: Getty)

Kết thúc hai ngày họp, thượng đỉnh Vienna không đem lại kết quả cụ thể nào. Ông Khrushchev cảnh báo Mỹ và phương Tây về viễn cảnh nổ ra chiến tranh. “Nếu như vậy thưa Ngài, chiến tranh sẽ xảy ra. Đó sẽ là một mùa Đông buốt giá”, ông Kenedy đáp lại. Sau đó, vị Tổng thống trẻ tuổi của Mỹ đã nói cuộc gặp này là "điều tồi tệ nhất trong cuộc đời” ông.

Lyndon B. Johnson - Alexei Kosygin

Tổng thống Mỹ Johnson và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô Kosygin đã gặp nhau năm 1967 tại Glassboro (bang New Jersey, Mỹ) - một địa điểm mà báo chí thế giới mô tả là "thị trấn nhỏ im lìm".

Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin (bên trái) và Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson gặp nhau tại Glassboro, bang New Jersey, Mỹ. (Nguồn: AP)

Giáo sư lịch sử Marius Livingston đã nói với New York Times rằng: "Nơi này giống như một trung tâm chỉ huy quân sự. Một nơi yên bình, ẩn dật đã bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới”.

Tổng thống Johnson và Thủ tướng Kosygin không đạt được thỏa thuận đáng kể nào. Tuy nhiên, bầu không khí thân thiện của cuộc họp thượng đỉnh, được gọi là "tinh thần Glassboro", đã góp phần cải thiện quan hệ giữa hai siêu cường.

Leonid Ilyich Brezhnev - Richard Nixon

Vấn đề vũ khí hạt nhân đứng đầu chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm 1972 tại Moscow này. Tổng Bí thư Liên Xô Brezhnev và Tổng thống Mỹ Nixon đã ký Hiệp ước giới hạn vũ khí chiến lược (SALT I), đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ giảm căng thẳng. Đồng thời, hai bên cũng thiết lập đường dây nóng để ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon (bên trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại Moscow, tháng 5/1972. (Nguồn: AP)

Hai nhà lãnh đạo đã tạo lập được mối quan hệ công việc thành công. Thế nhưng, họ không có nhiều thời gian để đạt thêm bước tiến nào khi Nixon phải từ chức trong vụ bê bối Watergate hai năm sau đó.

Mikhail Gorbachev - Ronald Reagan

Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan năm 1987, tại Washington D.C, được đánh giá là một trong những hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ nổi tiếng nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước từ trước đến nay.

Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại Nhà Trắng năm 1987. (Nguồn: Getty)

Hai bên đã ký Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong nỗ lực đầu tiên nhằm đảo ngược cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Boris Yeltsin - Bill Clinton

Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong cuộc gặp năm 1995. Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp nhau vào năm 1993. (Nguồn: AP)

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 4/1993, tại Vancouver (Canada). Tại đây, Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố hỗ trợ tài chính cho nước Nga đang gặp khó khăn về kinh tế và khủng hoảng chính trị. Hai năm sau, Tổng thống Nga Yeltsin đã đến Washington gặp chủ nhân Nhà Trắng Clinton.

Vladimir Putin - George W. Bush

Cuộc gặp diễn ra vào tháng 6/2001, tại Slovenia. Trong cuộc họp báo sau hội đàm, khi được hỏi ông nghĩ gì về lãnh đạo Nga Putin, Tổng thống Mỹ Bush trả lời: “Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ấy và nhận thấy đây là một người thẳng thắn và đáng tin. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại rất tốt".

Tổng thống Mỹ George W. Bush đi dạo cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này ở Ljubljana, Slovenia. (Nguồn: AP)

Dù bầu không khí ấm áp được thể hiện ngay từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này nhưng mối quan hệ Nga – Mỹ đã trở lên lạnh lẽo trong những năm sau đó. Đặc biệt, khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, quan hệ song phương ngày càng căng thẳng hơn. Tổng thống Putin cho rằng Cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine là kết quả của một âm mưu của CIA. Căng thẳng tiếp tục leo thang và cuộc xung đột giữa Nga và Georgia năm 2008 đã khiến quan hệ Washington - Moscow bị đóng băng.

Barack Obama - Dmitri Medvedev

Cuộc gặp tại thủ đô Moscow năm 2009 được coi là khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Nga-Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại Moscow, ngày 6/7/2009. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Medvedev tuyên bố họ đang trên con đường "cài đặt lại" quan hệ giữa hai nước, đồng thời thông báo về các thoả thuận liên quan đến vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi quyết định cài đặt lại mối quan hệ Mỹ - Nga để có thể hợp tác hiệu quả hơn trong các lĩnh vực cùng quan tâm", ông Obama phát biểu tại cuộc họp báo với ông Medvedev ở Điện Kremlin.

Tuy nhiên, nắng ấm trong quan hệ Nga – Mỹ đã không kéo dài khi ông Putin trở lại Điện Kremlin. Ông Putin cáo buộc Washington đã kích động các cuộc biểu tình ở Moscow phản đối việc ông trở lại ghế Tổng thống.

Obama – Putin

Cuộc gặp này được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2016 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp ông chủ Nhà Trắng Barack Obama bên lề Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 5/9/2016. (Nguồn: AFP)

Các bức ảnh cho thấy hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới đã có cuộc gặp trong bầu không khí lạnh lẽo. Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng "những khoảng trống tin tưởng" giữa hai cường quốc đối thủ đã cản trở các cuộc đàm phán.

Trong cuộc hội đàm này, Tổng thống Mỹ  Obama và người đồng cấp Nga đã thảo luận về vấn đề an ninh mạng. Ông Obama cho biết từng có những vụ tấn công mạng từ Nga nhằm vào Mỹ trước đây, kêu gọi lãnh đạo Nga không để không gian ảo trở thành "miền Tây hoang dã", đồng thời cảnh báo Mỹ "có khả năng hơn bất cứ nước nào, cả tấn công lẫn phòng thủ".

(tổng hợp)