📞

Nga - NATO sắp xảy ra xung đột "nóng"?

20:11 | 28/10/2016
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có những hoạt động tăng cường binh sĩ đến sát biên giới Nga lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Năm sau, Anh sẽ đưa các máy bay chiến đấu tới Romania. Trong khi đó, Mỹ đang khẩn trương triển khai binh sĩ, xe tăng và pháo hạng nặng đến Ba Lan. Ngày 26/10 mới đây, tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước Đức, Canada cùng một số quốc gia NATO khác cũng cam kết sẽ hưởng ứng lời kêu gọi đối đầu Nga của liên minh.

Những động thái này của NATO được cho là nhằm đáp trả những hành động quân sự của Moscow. Đầu tháng 10, Điện Kremlin cho biết họ đã bố trí hệ thống tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân tại Kaliningrad, căn cứ có vị trí chiến lược tại khu vực Baltic. Trong tuần này, hai tàu chiến Serpukhov và Zeleny Dol của Nga - được trang bị tên lửa hành trình tầm xa – cũng đã đi vào biển Baltic và sẽ sớm gia nhập một sư đoàn mới thành lập ở đây.

Tàu chiến Nga hoạt động trên biển Baltic. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, việc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga mới đây đi qua eo biển Manche đã khiến Anh hết sức lo ngại. London đã phải cử hai tàu HMS Duncan và HMS Richmond phối hợp cùng các chiến hạm của Hà Lan, Bỉ để giám sát “nhất cử nhất động” hành trình của tàu Kuznetsov. Đặc biệt, tàu Đô đốc Kuznetsov được phương Tây cho là sẽ đến tham chiến tại Syria, khi Tây Ban Nha cho biết phía Nga từ chối tiếp nhiên liệu tại một căn cứ của Tây Ban Nha ở bờ biển Bắc Phi.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của NATO là kiềm chế các hoạt động đe dọa của Nga đối với các nước thành viên liên minh ở châu Âu. Sau giai đoạn NATO không đạt nhận thức chung cũng như chậm phản ứng với các động thái của Moscow, liên minh quân sự này đang gửi đi những thông điệp mạnh mẽ hơn. Như lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, mục đích của việc NATO triển khai quân đến sát biên giới Nga là nhằm ngăn chặn quốc gia này.

Cụ thể, NATO muốn báo hiệu cho Moscow rằng, liên minh đã chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ các thành viên ở “tiền tuyến” như Estonia, Latvia và Lithuania. Tháng 5 năm nay, Anh đã đưa tiểu đoàn gồm 800 quân đến Estonia nhằm hỗ trợ lực lượng liên quân quốc tế đã đồn trú ở đây, bao gồm binh sĩ Pháp và Đan Mạch. Mùa hè năm sau, khoảng 4.000 binh sĩ từ nhiều quốc gia NATO cũng sẽ được triển khai đến sát biên giới Nga. Trong khi đó, Moscow có khoảng 330.000 lính được bố trí dọc theo tuyến biên giới phía Tây.

Các binh sĩ Anh được triển khai đến Estonia hồi tháng 5/2016. (Nguồn: gov.uk)

Tuy nhiên, tình hình nói trên không có nghĩa phương Tây và Nga sắp bước vào một cuộc xung đột “nóng”. Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nhà bình luận cho rằng thế giới đang chuẩn bị nổ ra Thế chiến thứ Ba, nhưng có lẽ họ đã quá lời. Phát biểu tại một hội nghị ở Sochi (Nga) hôm 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các chuyên gia phương Tây “ngu ngốc và phi thực tế” mới nghĩ đến chuyện Nga sẽ tấn công châu Âu.

Kể từ khi đắc cử Tổng thống Nga năm 2000, ông Putin được kỳ vọng sẽ khôi phục vị thế siêu cường của Nga – quốc gia duy nhất có thể làm đối trọng với Mỹ. Vì vậy, thời gian qua, Điện Kremlin muốn chứng tỏ rằng không có vấn đề quốc tế nào có thể được giải quyết mà thiếu vắng vai trò của Nga.

Về phần mình, nếu như trong suốt những năm 90 của thế kỷ XX, NATO loay hoay đi tìm lý do cho việc tồn tại liên minh, thì những năm gần đây, NATO lại gặp khó khăn tài chính. Mỹ đã nhiều lần phàn nàn rằng các nước thành viên không sẵn sàng đóng góp tài chính cho hoạt động an ninh tập thể. Hiện nay, NATO có lẽ đã xác định rõ mục tiêu của mình: kiềm chế Nga.

Mặc dù quan hệ Nga – phương Tây căng thẳng như thời Chiến tranh Lạnh, song quả thực ít có khả năng xe tăng Nga sẽ tràn vào các nước Baltic trong tương lai gần. Thay vào đó, Nga và phương Tây rất có thể vướng vào các va chạm bất ngờ và leo thang thành xung đột vũ trang, chẳng hạn như tại Syria - nơi Nga triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

(theo The Guardian)