Phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ở cấp đại sứ, ông Stoltenberg nhấn mạnh hiện nhiều loại vũ khí hạng nặng vẫn chưa được đưa ra khỏi khu vực xung đột tại Ukraine. Ông Stoltenberg khẳng định, gói thỏa thuận Minsk là cơ sở tốt nhất để giải quyết xung đột nhưng vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm túc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định về mối quan hệ NATO - Nga trước báo giới tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 13/7. (Nguồn: AFP) |
Theo ông Stoltenberg, công việc của các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) phải được tiến hành mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Nga từng nhiều lần tuyên bố rằng Moscow không phải là một bên xung đột tại Ukraine và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng với tư cách là một bên trung gian.
Ngoài tình hình Ukraine, Đại sứ các nước NATO và Nga cũng đã đề cập một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng tới một số vấn đề liên quan đến tình hình Afghanistan, cũng như sự minh bạch thông tin giữa hai bên để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự việc đáng tiếc.
Đánh giá tình hình an ninh tại Afghanistan hiện đang rất khó khăn, ông Stoltenberg cho rằng một đất nước Afghanistan ổn định sẽ rất quan trọng đối với tình hình an ninh khu vực, cả Nga và NATO đều có lợi ích chung trong việc ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc và xây dựng một nhà nước Afghanistan tự do, an toàn và dân chủ.
Vấn đề minh bạch thông tin và giảm thiểu rủi ro là một phần quan trọng của cuộc họp Nga - NATO. Hai bên tiếp tục trao đổi thông tin về các cuộc tập trận và công tác bố trí lực lượng. Việc trao đổi thông tin giữa hai bên cho phép giảm thiểu nguy cơ gây hiểu nhầm và xảy ra các tình huống leo thang không mong muốn.
Chính vì vậy, một điều vô cùng quan trọng là tại cuộc họp lần này, hai bên đã thông báo thông tin sơ bộ về một số cuộc tập trận trong tương lai, trong đó Nga đã trình bày về cuộc tập trận "ZAPAD 2017" và bên phía NATO là cuộc tập trận "Trident Javelin 2017".
Tổng thư ký Stoltenberg kết luận, tại cuộc họp này, dù giữa các nước đồng minh NATO và Nga vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt nhưng hai bên đã cùng xác định sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn trong khuôn khổ các cam kết của mình để bảo vệ, gìn giữ hòa bình và an ninh.
Hội đồng Nga-NATO là cơ chế đối thoại được thành lập từ năm 2002, nhóm họp thường xuyên đến năm 2014 - thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và sau đó là sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Từ tháng 4/2014, NATO đã ngừng mọi hoạt động hợp tác dân sự cũng như quân sự với Nga, tuy nhiên Hội đồng Nga-NATO đã được tái khởi động cách đây một năm.