📞

“Ngã ngửa” ở Vientiane

18:50 | 23/06/2016
Đường phố, văn hóa giao thông, thói quen làm việc, những chiếc taxi và thậm chí đến chai bia cũng làm tôi bất ngờ.

Tôi vừa có dịp sang tác nghiệp tại thủ đô Vientiane của Lào. Ngay khi nhìn thấy cái nắng chói chang qua khung cửa sổ máy bay, tôi đã tưởng tượng ra cảnh mình vã mồ hôi để chen chân trong khu vực phóng viên để tác nghiệp.

Muốn nhanh thì cũng phải từ từ

Nhưng mọi thứ lại diễn ra hoàn toàn khác, cánh phóng viên nước bạn rất hiền lành. Ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau, không chen lấn, xô đẩy. Khi đã có những bức ảnh, cảnh quay ưng ý, họ lập tức rút lui, nhường chỗ cho những người đứng sau.

Chợ đêm ở Vientiane. (Nguồn: Thousandwonders)

Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi tranh thủ ngắm nhìn những con phố ở thủ đô của Lào. Gần như con phố nào ở Vientiane cũng có một ngôi chùa. Tuy nhiều nhưng mỗi ngôi chùa lại mang một vẻ đẹp riêng. Có nơi gây ấn tượng bằng những chóp mái nhọn sơn vàng. Có ngôi chùa lại trang trí bằng hàng loạt tượng rắn thần Naga hay những bức phù điêu hình lá bồ đề... Ngôi chùa nào cũng khiến tôi trầm trồ, ngẩn ngơ vì vẻ đẹp lộng lẫy của chúng.

Đường phố ở Vientiane không đông đúc, tấp nập như Hà Nội. Có lẽ, người Lào không thích đi xe ga bởi trong 2 ngày làm việc ở đây, tôi chẳng thấy một ai đi những chiếc xe như Lead, SH, LX... mà dân ta vẫn ưa chuộng. Nhưng dù có đi xe máy hay xe hơi thì người Lào khi tham gia giao thông đều có một điểm chung: Lái xe rất từ tốn và rất, rất hạn chế bấm còi.

Tôi hỏi anh bạn Lào phụ trách hướng dẫn đoàn phóng viên Việt Nam rằng nếu có việc gấp, người dân ở đây có đi nhanh hay không. Anh trả lời: “Nếu biết có việc gấp, việc quan trọng, chúng tôi sẽ đi từ sớm để khỏi phải vội vàng”.

Ngỡ ngàng với taxi

Sau một ngày tác nghiệp mệt nhoài, mấy phóng viên trẻ chúng tôi rủ nhau ra khu chợ đêm để thăm thú và ăn tối thay vì dùng bữa trong khách sạn. Nơi chúng tôi ở nằm bên dòng Mekong, tách biệt với khu trung tâm. Vì thế, nhóm chúng tôi chẳng thể tản bộ mà phải gọi xe để đi.

Buổi chiều, trong cuộc nói chuyện chớp nhoáng trên xe với anh cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tôi được biết nước bạn không có taxi. Vậy nên, chúng tôi thống nhất sẽ gọi một chiếc xe túc túc (giống xe lam) để di chuyển.

Nhưng khi nhờ gọi xe, anh chàng ở quầy lễ tân lại bảo chúng tôi đi... taxi vì khách sạn cấm túc túc đón khách. Có phần bất ngờ, chúng tôi hỏi lại cho rõ về dịch vụ taxi ở đây thì lại càng ngỡ ngàng hơn. Những chiếc taxi ở Vientiane không lắp công tơ mét mà chỉ áp dụng một mức giá: 8 USD cho quãng đường từ ngoại thành vào trung tâm thành phố, bất kể hành khách muốn đi tới đâu.

Vẫn biết người Lào có tác phong làm việc rất “từ từ” nhưng việc phải đợi taxi tới gần 30 phút với cái bụng rỗng khiến cho chúng tôi khó chịu ra mặt. Khi xe tới nơi, sự khó chịu của chúng tôi lại nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho cảm giác ngỡ ngàng. Đó là chiếc xe Huyndai trắng tinh, mới coóng, chẳng hề có đề can hay biển hiệu của bất kỳ hãng taxi nào. Tài xế lái xe là một anh chàng đẹp trai như “soái ca”, trẻ măng, mặc áo phông có cổ và... quần đùi.

Vì lần đầu được đi một chiếc taxi “xịn” đến thế, chúng tôi cực kỳ bất ngờ. Tôi hỏi anh tài xế có làm cho Uber không, anh ta chẳng hề biết Uber là gì. Nghe anh giải thích mới biết, người Lào thường mua những chiếc xe sang để đi và sử dụng những chiếc xe tầm trung như thế này để làm dịch vụ vận tải.

Trong suốt quãng đường, anh tài xế “soái ca” liên tục hỏi chúng tôi những cảm nhận về Vientiane, chỉ cho chúng tôi những quán bar đông khách nước ngoài và kể về những món cần thử ở chợ đêm. Nhờ vậy mà không khí trên xe không bị cái đói làm chùng xuống.

Sự kết hợp hoàn hảo

Sau một vòng tản bộ quanh chợ đêm, chúng tôi dừng chân ở một quán đồ nướng vỉa hè.

Thấy tôi hỏi các anh chị phóng viên trong nhóm để gọi món, anh chủ quán tươi cười: “Anh là người Việt hả? Nói tiếng Việt đi”. Hóa ra, bố của anh chàng chủ quán là người Sài Gòn đã sang Lào buôn bán và định cư từ những năm 1970. Không chỉ đi mua giúp bia và đá, anh chàng  này còn nhiệt tình giúp chúng tôi đổi tiền Kip để dễ mua bán và mặc cả với lái xe túc túc cho tiết kiệm hơn trong chuyến hành trình trở lại khách sạn.

Vì đã muộn, quán vắng khách nên các món ăn được dọn ra rất nhanh. Nào sườn, nào thịt ba chỉ, lòng non, lạp sườn rồi cá suối... món nào cũng được tẩm ướp thơm ngon vừa tới. Nếu có quá tay chấm đẫm miếng thịt nướng béo ngậy vào bát mắm đặc trưng của người Lào, tôi cũng chẳng phải lo mặn vì đã có cơm nếp để “chữa cháy”. Và khi ngây ngấy với miếng thịt vàng óng, miếng xôi trắng ngần, bọn tôi lại làm một ngụm bia Lào mát lạnh, ngòn ngọt để có thể tiếp tục “chiến đấu”.

Có lẽ, cơn đói của chúng tôi cũng góp phần khiến món ăn ngon hơn mấy phần. Nhưng quả thực, cơm nếp, đồ nướng và bia Lào là một “bản hòa tấu” hoàn hảo.

---

Khi gọi món, nhóm chúng tôi tính rằng mỗi người sẽ uống hơn một chai bia nên nhờ chủ quán mua hộ 10 chai bia cùng đá. Ai ngờ, loại bia Lào mà anh bạn này mang về có dung tích lên tới... 640ml. Chúng tôi uống cố lắm cũng chỉ hết 6 chai và đành “ngậm ngùi” xách số còn lại về khách sạn.