Nga cảnh báo đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của EU. (Nguồn: Shutterstock) |
Bộ Ngoại giao Nga gọi các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp và cho biết đã mở rộng đáng kể danh sách đen những người bị cấm nhập cảnh vào đất nước.
Trước đó, khối 27 thành viên đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga nhằm mục đích lấp một số "lỗ hổng" và lần đầu tiên đánh vào hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga.
Gói trừng phạt thứ 14 của EU bao gồm lệnh cấm các công ty xuất khẩu khí đốt từ Moscow, sử dụng các cảng của khối để chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba. Tuy nhiên không có lệnh cấm hoàn toàn việc mua nhiên liệu.
Gói trừng phạt mới cũng cung cấp cho khối nhiều công cụ hơn để ngăn việc lách luật trừng phạt, cũng như nhằm mục tiêu vào thêm 116 cá nhân và tổ chức.
Gói trừng phạt mới của EU sẽ có hiệu lực sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 9 tháng.
Đây cũng là lần đầu tiên EU hành lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng - loại hàng hóa mà một số quốc gia thành viên của khối vẫn tiếp tục mua từ Nga, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
* Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết việc EU quyết định đưa vào gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga một số biện pháp, cho phép các công ty châu Âu hoạt động ở Nga nộp đơn kiện tại các tòa án trong khu vực để yêu cầu bồi thường là một bước quan trọng.
Biện pháp này giúp bảo vệ lợi ích kinh doanh của châu Âu tại Moscow.
Phát biểu bên lề cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Luxembourg, ông Tajani nói: “Italy đã thúc đẩy quyết định trên của EU và nó rất quan trọng đối với tất cả các công ty châu Âu và Italy hoạt động tại Nga đang bị các biện pháp tư pháp ảnh hưởng.
Nguyên tắc mà theo đó các công ty (EU) có thể theo đuổi con đường tư pháp để yêu cầu bồi thường cho các hành động trả đũa có thể xảy ra (của Nga) đã được đưa ra. Chúng tôi chấp thuận cơ sở pháp lý và nguyên tắc các công ty này có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường”.
Ông Tajani cho biết, giờ đây, các công ty EU có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp các vụ kiện do Nga hoặc các thực thể do Nga kiểm soát về các hợp đồng hoặc giao dịch bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Các biện pháp mới cũng áp dụng cho các trường hợp các công ty EU có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu Moscow tạm thời thay thế quyền quản lý của họ ở nước này.