Trạm nén khí của đường ống Yamal ở Gabinek, gần Wloclawek, Ba Lan đưa khí đốt từ Nga đến Tây Âu. (Nguồn: Reuters) |
Tây Ban Nha đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU tới cuối tháng 12/2023 và nước này sẽ được quyền ưu tiên ban hành các quyết định lập pháp của toàn khối.
Bộ trưởng Ribera cho biết, cảm giác lo ngại về tình trạng khan hiếm của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào năm 2022 vẫn chưa tan biến hết.
Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU muốn tránh xảy ra những bất ổn, tương tự như năm ngoái.
Tuy nhiên, bà Ribera cảnh báo, nếu diến biến của xung đột Nga-Ukraine không thay đổi, rất có thể lệnh cấm sẽ được đưa ra.
Theo Bộ trưởng Ribera, chính phủ Tây Ban Nha đã xem xét về việc ngăn chặn nhập khẩu LNG của Nga, nhưng không có cơ sở pháp lý nào để ban hành một lệnh cấm mà không có quan điểm nhất trí của EU vì đây là hoạt động thương mại bên ngoài khối.
Bà cũng kêu gọi các công ty EU không ký thêm các hợp đồng cung cấp mới với Nga và minh bạch hơn về nguồn LNG mà họ nhập khẩu vào EU, để phòng tránh rủi ro.
Tháng 6/2022, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga, nhưng không cấm nhập khẩu LNG.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây khiến doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga đã giảm đáng kể, nhưng mặt hàng này vẫn mang về cho Nga hàng tỷ USD lợi nhuận.
Trong thời gian từ tháng 1-7/2023, nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Khác với việc mặt hàng dầu bị “đóng băng”, dòng chảy LNG từ Nga vào EU đến nay chưa có dấu hiệu chậm lại.
Công ty tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) tính toán, châu Âu đã trả cho Nga khoảng 12,85 tỷ USD nhập khẩu LNG từ tháng 3/2022-2/2023.
Trong số các thành viên thuộc khối này, Tây Ban Nha là khách hàng mua LNG lớn thứ hai của Nga trên toàn cầu.
* Trên kênh Telegram, Phó Đại diện thứ nhất của Liên bang Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky cho biết, Moscow đã yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ triệu tập họp vào ngày 26/9 bàn về vấn đề phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream).