📞

Nga thử thành công đầu đạn tên lửa lượn siêu thanh

21:48 | 28/10/2016
Đầu đạn lượn siêu thanh, dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-18, còn được gọi là "Vật thể 4202" được cho là có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Ngày 28/10, hãng tin Izvestiya (Nga) dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow đã thực hiện thành công vụ phóng thử được tiến hành hôm 25/10, tại một thao trường ở Orenburg, miền Tây nước Nga. Kết quả, đầu đạn đã bay tới trường bắn Kura thuộc bán đảo Kamchatka, vùng Viễn Đông.

Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin rằng, đây không phải một vụ phóng kiểm tra thông thường mà nó được dùng để thử nghiệm đầu đạn siêu thanh mới và được cho là có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tên lửa đạn đaọ liên lục địa RS-18 của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Hiện chỉ có một vài nước trên thế giới đang phát triển công nghệ đầu đạn lượn siêu thanh này. Mỹ đã hai lần thử nghiệm thành công thiết bị HTV-2, trong khi Trung Quốc từng thử nghiệm đầu đạn sử dụng công nghệ tương tự vào năm 2014. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ bay siêu thanh.

Phương tiện trượt siêu thanh (HGV) khác với đầu đạn tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn ở chỗ nó di chuyển phần lớn thời gian ở tầng bình lưu thay vì trong không gian vũ trụ. Điều này giúp tên lửa gắn HGV có tầm bắn lớn hơn và khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa có ít thời gian phản ứng hơn. Ngoài ra, HGV có thể bay lượn linh hoạt trong khi tấn công mục tiêu ở tốc độ cao, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn.

'Vật thể 4202'' có thể được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-28 của Nga. Các chuyên gia quân sự dự đoán rằng mỗi tên lửa RS-28 sẽ mang được 3 đầu đạn siêu thanh nói trên.

(theo Pravda Report, Izvestiya)