Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai diễn ra tại thành phố St. Petersburg (Nga) từ ngày 27 - 28/7/2023. (Nguồn: AP) |
Đây là nhận định của ông Kester Kenn Klomegah trong bài viết có tựa đề "An Insight into Russia’s Nuclear Partnership with Africa" (tạm dịch: Góc nhìn về quan hệ đối tác hạt nhân Nga và châu Phi) đăng tải trên tờ Modern Diplomacy ngày 25/11.
Tại các Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi vào tháng 10/2019 và tháng 7/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác năng lượng hạt nhân trong cam kết địa chính trị giữa hai bên. Tại Hội nghị St. Petersburg, hai bên đã công bố các thỏa thuận quan trọng về tăng cường năng lực hạt nhân, mở đường cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp tại châu Phi.
Kể từ khi nhậm chức năm 2001, Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ châu Phi xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân hoàn thiện theo mô hình “chìa khóa trao tay”.
Tuy nhiên, dù đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự trong hơn một thập kỷ qua, kết quả hợp tác song phương vẫn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở công tác tuyên truyền và kế hoạch trên giấy.
Một số quốc gia đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy hạt nhân với Moscow gồm Algeria, Ghana, Ethiopia, Congo, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Sudan, Tunisia, Uganda, và Zambia. Nga cũng ký biên bản ghi nhớ với Kenya và Morocco. Đồng thời, các ủy ban liên chính phủ đã được thành lập, tập trung vào ngoại giao hạt nhân và hợp tác ứng dụng năng lượng hạt nhân.
Tập đoàn Rosatom của Nga tham gia hỗ trợ Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa với tổng công suất 4,8 GW và chi phí 30 tỷ USD. (Nguồn: Power Technology) |
Trong đó, Ai Cập là một trong những mô hình thành công trong hợp tác hạt nhân với Nga. Là quốc gia đông dân nhất ở Bắc Phi với hơn 100 triệu người, tập trung chủ yếu tại các trung tâm dân cư đông đúc như Cairo, Alexandria và các thành phố lớn khác dọc theo đồng bằng sông Nile, Ai Cập cần nguồn năng lượng ổn định để vận hành ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa.
Tháng 5/2022, tập đoàn Rosatom của Nga tham gia hỗ trợ Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa với tổng công suất 4,8 GW và chi phí 30 tỷ USD. Nga đã cấp khoản vay 25 tỷ USD, chiếm 85% tổng chi phí, phần còn lại do Cairo tự chi trả thông qua thu hút đầu tư tư nhân.
Dù nhu cầu sử dụng năng lượng lớn, phần lớn các quốc gia châu Phi gặp khó khăn trong cân đối tài chính và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Việc xây dựng các nhà máy hạt nhân đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chi phí đầu tư lớn và thời gian dài triển khai.
Xây dựng một lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn cần hàng nghìn công nhân, vật liệu và linh kiện chuyên dụng. Dù hạt nhân dân sự được coi là giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Phi, nhưng tiến trình này không thể thực hiện trong ngắn hạn.
Đưa ra nhận định, Nga đang mở rộng hợp tác công nghệ hạt nhân ở châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị và tìm kiếm lợi nhuận, ông Kester Kenn Klomegah nêu ý kiến, Moscow cần nghiêm túc cân nhắc các hướng đi cụ thể để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Nga - Châu Phi, dựa trên nền tảng hợp tác truyền thống và thành quả từ hai Hội nghị thượng đỉnh gần đây.
Ngoài dự án El-Dabaa tại Ai Cập, Điện Kremlin nên thúc đẩy các dự án tương tự tại những khu vực khác, cùng với sự hỗ trợ và định hướng từ các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU) để dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng dài hạn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.