Các nhân viên của OSCE xếp hành lý trước khi rời khách sạn Park Inn ở thành phố Donetsk, Ukraine, ngày 13/2. (Nguồn: Reuters) |
Bà Zakharova nêu rõ: “Chủ tịch hiện tại của OSCE và Tổng Thư ký OSCE đã thông báo cho các quốc gia thành viên về quyết định 'của một số quốc gia' trong việc bố trí lại công dân của mình - các nhân viên của Phái bộ Giám sát đặc biệt OSCE tới Ukraine do tình hình an ninh đang xấu đi".
Theo bà, các quyết định này khiến Nga quan ngại nghiêm trọng, "phái bộ đang bị lôi kéo vào cơn cuồng loạn quân phiệt do Washington tiêm nhiễm và được sử dụng như một công cụ cho hành động khiêu khích có thể xảy ra”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo, Moscow kêu gọi lãnh đạo OSCE không để tổ chức này bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị "vô đạo đức" liên quan đến vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, cùng ngày, nhân viên OSCE đã bắt đầu rút khỏi thành phố Donetsk do phiến quân kiểm soát, trong bối cảnh mối quan ngại của phương Tây về cuộc tấn công từ Nga ngày càng tăng, dù Moscow luôn bác bỏ.
Tổ chức OSCE tuyên bố, “một số quốc gia thành viên” đã yêu cầu nhân viên phái bộ rời đi trong những ngày tới, song khẳng định tổ chức sẽ tiếp tục thực thi sứ mệnh của mình.
SMM đã được triển khai tại Ukraine từ năm 2014 trong bối cảnh xảy ra xung đột giữa quân đội Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn.
Hai nguồn tin cho hay, Mỹ đã quyết định rút nhân viên khỏi Ukraine, trong khi Anh chuyển nhân viên từ các khu vực do phiến quân kiểm soát sang các khu vực của chính phủ Ukraine.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết, 160 nhân viên của OSCE đã rời khỏi Ukraine, trong đó có các nhân viên đến từ Hà Lan, Canada, Slovakia và Albania. Một nguồn tin khác cho hay nhân viên OSCE người Đan Mạch cũng đã rút lui.