📞

Nga-Trung Quốc: Bạn thân… ai nấy lo?

Minh Anh 13:45 | 16/06/2021
Nhiều nhà bình luận đã sử dụng từ “tốt nhất trong lịch sử” mà lãnh đạo hai nước Nga-Trung Quốc đã phát ngôn để cảnh báo về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai đối thủ hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, nó thật có đơn giản như thế?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, ngày 5/6/2019. (Nguồn: AP)

Về mặt hình ảnh, Nga-Trung Quốc vẫn thường được nhìn nhận là "cặp đôi thân thiết", thậm chí, hai nhà lãnh đạo của các nước này đều công khai tuyên bố về “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử” quan hệ song phương này.

“Mức tốt nhất trong lịch sử”

Trong chuyến thăm Nga mới đây nhằm tăng cường mối quan hệ, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã ca ngợi mối quan hệ mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “đã vững như đá dù có lúc cứng, lúc mềm”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng đánh giá “mức tốt nhất trong lịch sử” khi nói đến quan hệ giữa hai nước. Có thể lúc đó, ông Putin đã nhớ về khoảnh khắc như vậy vào tháng 6/2019, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi ông là “người bạn tốt nhất của tôi”.

Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, nhiều nhà bình luận đã sử dụng những phát ngôn này về mặt giá trị và cảnh báo về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai đối thủ hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, nó thật không chỉ đơn giản như thế.

Thực tế thì Moscow phải lo ngại Bắc Kinh hơn là Washington. Giống như Philippines, Ấn Độ hay Bhutan, vấn đề lãnh thổ và đường biên giới giữa Nga và Trung Quốc không hề kém phần nhạy cảm và cũng có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thay thế Nga với tư cách là quốc gia có ảnh hưởng nhất ở Trung Á - sân sau địa chính trị truyền thống của Moscow - và có ảnh hưởng lớn đến mức "khó chịu" đối với nền kinh tế Nga.

Nhưng bất chấp vô số tác nhân gây khó chịu trong mối quan hệ Mỹ-Nga, hơn tất cả, Nga có thể tranh thủ là một đối tác thầm lặng, nhưng có ý nghĩa trong chiến lược toàn cầu, để có thể hạn chế các khía cạnh nguy hiểm của Bắc Kinh.

Lý do lớn nhất khiến Moscow lo ngại là những vấn đề nhạy cảm liên quan lãnh thổ. Trong khi, tại cả Trung Quốc và Nga, kết quả thăm dò về các vấn đề nhạy cảm như toàn vẹn lãnh thổ đều là vấn đề không vui vẻ đối với hai bên.

Một số người Nga lo sợ Trung Quốc muốn sở hữu Siberia, trong khi một số người Trung Quốc cảm thấy rằng phần phía Đông nước Nga phải thuộc về Trung Quốc. Câu chuyện nhạy cảm về sự kiện Bắc Kinh ký các hiệp ước nhượng vùng đất rộng lớn quanh Hồ Baikal cho người Nga, hồi năm năm 1858-1860 thực ra chỉ là tạm quên đi.

Người Nga ở vùng Viễn Đông thưa thớt dân cư lo ngại sự nhập cư và ảnh hưởng của người Trung Quốc. Có người đánh giá, sự hiện diện của Trung Quốc ở Siberia giống như “một tấm vải đỏ đối với một con bò đực”.

Nhạy cảm và khó rạch ròi, đây cũng là lý do khiến Nga trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc ngay khi đại dịch Covid-19 lây lan vào đầu năm 2020.

Và những điều khó nói...

Nhận thức nhiều khi có thể tạo ảnh hưởng rất lớn tới thực tế. Sự thất vọng của Trung Quốc đối với Nga trong lịch sử - quan hệ liên minh giữa Trung Quốc-Liên Xô đã không kết thúc tốt đẹp, sự chia rẽ Trung-Xô vào giữa những năm 1950, đến cả hiệp ước kinh tế và chiến lược Trung-Nga năm 2001 - đều có thể dễ dàng khiến Bắc Kinh không hoàn toàn vừa lòng.

Các nhà phân tích Nga đã theo dõi chặt chẽ cuộc đụng độ biên giới vào tháng 6/2020 giữa Ấn Độ và Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng - không chỉ vì Nga là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Ấn Độ. Những căng thẳng này đang trở nên đặc biệt rõ ràng ở Trung Á - khu vực từ lâu vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow - nhưng giờ đây lại nằm trong tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong tầm nhìn chiến lược toàn cầu nay gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà ông Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố vào tháng 9/2013 tại Kazakhstan, có nhắc tới đây là mục tiêu quan trọng trong các thiết kế của Bắc Kinh, nhằm đưa khu vực vào các mô hình thương mại của Trung Quốc. Nga từng là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này, nhưng giờ đây, Trung Quốc đứng ở vị trí đó.

Điều không thể tránh khỏi là Nga đã trở thành đối tác cấp dưới trong mối quan hệ này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga thậm chí còn không nằm trong top 10 của Trung Quốc.

Con bài quan trọng nhất của Moscow trong mối quan hệ này là công nghệ quốc phòng. Nhưng ngay cả ở lĩnh vực này, Điện Kremlin cũng đang phải nỗ lực chống lại “chủ nghĩa trọng thương săn mồi” của Bắc Kinh mà vô số doanh nghiệp trên khắp thế giới đã phải đối mặt.

Tập trung vào những khía cạnh mang tính khu vực của quan hệ đối tác Trung-Nga, một số nhà phân tích lưu ý rằng, cho dù các quan chức Nga ngày càng dễ chấp nhận tham gia các khuôn khổ do Trung Quốc lãnh đạo như sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng các cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai nước vẫn thể hiện thiếu sự hiểu biết lẫn nhau.

Khi mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga ngày càng sâu sắc, số lượng các công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động ở vùng Viễn Đông Nga đã giảm xuống từ 162 công ty vào năm 2015 xuống còn 125 công ty vào năm 2017.

Chương trình hợp tác giữa Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga trong giai đoạn 2008-2018 chỉ hoàn thành 28% dự án và sau đó bị từ bỏ. Cho đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành là nhờ đầu tư trong nước của mỗi quốc gia ở khu vực biên giới hơn là nhờ hợp tác song phương.

Trong bài phân tích trên tờ Washington Post, tác giả Isaac Stone Fish đưa ra nhận định rằng, Tổng thống Nga Putin hoàn toàn biết rõ ông Tập không phải là “bạn thân” của mình. Cũng như nhiều nhà phân tích, ông đã gợi ý về một lập trường giống như của Ấn Độ, là không bị ràng buộc vào các liên minh. Bởi vậy, một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Nga trong quá khứ cũng như hiện tại là một “thư viện” các bài học nhạy cảm, từ thân thiết, chia rẽ, chiến tranh Lạnh đến đối đầu trực tiếp... Khi cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga (Biden và Putin) diễn ra, giới quan sát cho rằng, ông Putin chắc sẽ không thể quên.