📞

Nga-Trung Quốc hợp sức ‘lật đổ’ đồng USD – đường còn dài, mà chẳng đến đâu?

Minh Anh 13:29 | 16/03/2023
Không ít chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của cả Nga và Trung Quốc, hay một kế hoạch hợp sức nhằm thách thức vị trí số 1 của USD trên thị trường thế giới sẽ chẳng đi đến đâu. Họ có lý do nào để tin chắc điều đó?
Nga-Trung Quốc hợp sức ‘lật đổ’ USD – đường còn dài, mà chẳng đến đâu? (Nguồn: The Economist)

Nền kinh tế mong manh của Nga và các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc đang khiến đồng tiền của cả quốc gia này kém hấp dẫn hơn, do đó, sẽ mất nhiều thời gian để có bất kỳ thách thức đáng kể nào đối với đồng bạc xanh.

Hợp sức thách thức vị thế số 1 của USD

Một số chuyên gia đánh giá, những nỗ lực của Nga nhằm chống lại ưu thế của đồng USD khó có thể thành công, ngay cả khi nước này thân thiện với Trung Quốc trong cùng một mục tiêu thách thức đồng bạc xanh bằng một loại tiền dự trữ thay thế.

Sau loạt đòn trừng phạt từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, Nga đã tuyên bố sẽ "phi USD hóa" nền kinh tế của mình, với các biện pháp bao gồm tránh xa tiền tệ từ các quốc gia "không thân thiện" và lên kế hoạch tạo ra một loại tiền dự trữ mới với Trung Quốc để thách thức vị thế số 1 của USD - đồng tiền có sức mạnh hàng đầu trong thương mại toàn cầu.

Năm ngoái, Nga tuyên bố sẽ hợp tác với các nước BRICS khác (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) để phát triển một loại tiền dự trữ thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực nhằm lật đổ đồng bạc xanh khỏi vị trí cao nhất của nó trên thị trường quốc tế là vô ích. Cả đồng Ruble của Nga, hay bất kỳ động thái nào liên kết với Trung Quốc nhằm đưa một đồng tiền dự trữ mới thay thế đều sẽ tạo ra một thách thức đáng kể.

Jay Zagorsky, nhà kinh tế từ Đại học Boston phân tích, một trong những vấn đề chính của Nga là nền kinh tế nước này vốn đã gắn liền với đồng USD thông qua thương mại dầu mỏ. Dầu thô và khí đốt là một trong những nguồn doanh thu chính của Moscow, với các giao dịch vốn đã được thực hiện rộng rãi bằng đồng tiền của Mỹ.

Do đó, nhà kinh tế Zagorsky đặt nghi ngờ rằng, các kế hoạch của Nga về một đồng tiền dự trữ hợp tác với Trung Quốc, hay các quốc gia khác liệu có nhiều nhu cầu?

Những nỗ lực trước đây nhằm tạo ra một đồng tiền dự trữ chung, chẳng hạn như các kế hoạch gần đây giữa Brazil và Argentina, thường đi đến thất bại, đặc biệt là khi các quốc gia đối tác có nền kinh tế không đồng đều.

"Nga hiện là một nền kinh tế mong manh và đang phải hứng chịu nhiều đòn trừng phạt nặng nề. Moscow đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế", theo Bob Stark, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Kyriba nhận định.

"Liệu Nga có thích lật đổ đồng USD không? Tôi chắc chắn, nhưng đó có lẽ chưa phải tính toán của Moscow với đồng Ruble", ông Bob Stark nhận định.

“Người chơi” lớn hơn trong mục tiêu này là Trung Quốc, quốc gia đã đạt được một số kết quả nhất định và trở thành đối tác lớn với nhiều quốc gia khác để tăng cường sự hiện diện của đồng NDT trên trường thế giới.

Theo chiến lược gia Bob Stark, Nga tham gia những nỗ lực này chỉ đơn giản là một giải pháp sinh tồn, một cách để giữ cho nền kinh tế phát triển và duy trì hoạt động thương mại sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây.

"Không phải Nga đang cố gắng thách thức sự thống trị của đồng bạc xanh mà là việc Trung Quốc đang trỗi dậy như một siêu cường kinh tế trên thế giới. Đó là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc".

Trong xu thế này, ông Bob Stark cũng đưa ra những cảnh báo từ nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini - dự báo về một hệ thống tiền tệ quốc tế lưỡng cực có thể xuất hiện trong thập kỷ tới, trong đó NDT sẽ cạnh tranh trực tiếp với USD trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, trong khi chiến lược gia trưởng của Kyriba cho rằng, chế độ tiền tệ quốc tế lưỡng cực NDT và USD là có thể, thì ông vẫn phải chỉ ra rằng, “kịch bản đó vẫn còn là một khả năng xa vời”.

Phải mất một thời gian dài để một loại tiền tệ được tin cậy và sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế. Và chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để lật đổ đồng bạc xanh - đã chiếm tới 96% thương mại thế giới trong những thập kỷ gần đây, theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, NDT mới chỉ chiếm 2% thương mại toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.

Nhà kinh tế của Đại học Boston Jay Zagorsky bác bỏ thẳng quan điểm cho rằng, USD sẽ hoàn toàn bị thay thế bởi NDT, do chính sự kiểm soát vốn của Trung Quốc đối với đồng nội tệ của nước này, chẳng hạn như hạn chế số lượng NDT có thể được mang ra khỏi đất nước. Ông cho rằng, chừng nào những quy tắc đó còn được áp dụng, điều đó sẽ làm cho NDT kém thanh khoản hơn so với các loại tiền tệ khác như USD và do đó kém hấp dẫn hơn.

"Các nhà đầu tư và thương nhân quốc tế không muốn sử dụng một loại tiền tệ khi họ lo lắng rằng tiền của họ sẽ bị mắc kẹt trong một quốc gia và họ sẽ không thể chuyển nó ra ngoài", Jay Zagorsky phân tích.

Một báo cáo từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tuyên bố, NDT không phải là mối đe dọa đối với đồng bạc xanh, vì quá trình quốc tế hóa đồng tiền này sẽ đòi hỏi dự trữ USD để giữ cho nó ổn định.

Trong khi đó, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm 2008 Paul Krugman nói rằng, ông không sợ đồng USD mất vị trí thống trị vì nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là "chuyện kinh thiên động địa" đối với nền kinh tế Mỹ.

Tác dụng ngược?

Trong khi đó, theo giới phân tích, việc Nga ngày càng sử dụng nhiều NDT không phải là mối đe dọa đối với USD, mà lại có thể gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Moscow.

Theo nhận định mới đây của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, “việc sử dụng NDT ngày càng tăng của Nga có thể sẽ gây tác dụng ngược đối với Moscow. Trong khi đồng tiền của Trung Quốc khó có thể thay thế USD trong nền tài chính toàn cầu.

Điều đó có nghĩa là, Bắc Kinh không thể thực sự giúp được Moscow trong “cuộc thập tự chinh” chống lại đồng USD".

Trong một lưu ý gần đây, nhóm chuyên gia có trụ sở tại Washington DC. đã chỉ ra sự phụ thuộc của Nga vào đồng NDT kể từ khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga từ năm ngoái đã “cắt” Moscow khỏi USD và Euro trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo số liệu của Trung tâm Thảo luận quốc tế Carnegie Endowment, đồng USD và đồng Euro chiếm 52% giao dịch tại thị trường Nga trước xung đột Nga-Ukraine, nhưng đã giảm 34% trong vòng 9 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, giao dịch với đồng Ruble của Nga tăng từ 12,3% lên 32,4% giao dịch và giao dịch với NDT của Trung Quốc tăng vọt từ 0,4% lên 14% giao dịch.

Trong khi đó, NDT chưa phải là mối đe dọa đối với sự thống trị của USD, báo cáo của Carnegie cho biết, bởi vì quá trình quốc tế hóa của NDT kéo theo dự trữ USD phải nhiều hơn, trong khi đồng bạc xanh cũng giúp ổn định đồng nội tệ của Trung Quốc ở các thị trường lớn khác như Hong Kong.

Theo đó, sức mạnh của NDT với tư cách là đồng tiền dự trữ không làm suy yếu đồng bạc xanh; thay vào đó, hai loại tiền tệ này đang bổ sung cho nhau. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh không thể thực sự giúp Moscow trong “cuộc thập tự chinh” chống lại đồng tiền của Mỹ.

Trung Quốc cũng không thể giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt. Mặc dù Trung Quốc hiện không chính thức thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng về mặt kỹ thuật, họ cũng không để bị “mất lòng”.

Và trong khi mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc đang giúp Điện Kremlin tạm thời vơi “gánh nặng” của các biện pháp trừng phạt, nó có thể không tốt cho nền kinh tế về lâu dài, đặc biệt trong trường hợp mối quan hệ chính trị giữa họ xấu đi.

Các khoản dự trữ và thanh toán của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Bắc Kinh và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, Nga có thể phải đối mặt với tổn thất dự trữ và gián đoạn thanh toán.

“Các nhà lãnh đạo Nga muốn nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chiến lược chưa từng có giữa hai nước Nga-Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, sự hợp tác này đang khiến Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh”, một số nhà kinh tế đưa ra cảnh báo.

(theo Business Insider, Carnegie Endowment)