Đây là lần phản đối thứ 6 của Nga và là lần phản đối thứ 5 của Trung Quốc về một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria kể từ khi cuộc xung đột tại quốc gia này bùng phát hồi tháng 3/2011.
Sau 11 giờ nỗ lực đàm phán, Nga cho rằng Mỹ và Nga có thể ấn định một cuộc gặp khác tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 6/12 tập trung vào một kế hoạch cho tất cả các tay súng nổi dậy rút lui khỏi miền Đông Aleppo vốn đang nằm trong sự bao vây của chính quyền Syria. Tuy nhiên, các tay súng đã bác bỏ một kế hoạch như vậy.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Michele Sison cho biết hai bên không đạt được đột phá, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán song phương với Nga.
HĐBA LHQ. (Nguồn: UN Photo) |
Trước khi bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết, việc đưa bản dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu là vi phạm thủ tục làm việc của HĐBA, bởi văn kiện này chỉ có thể được bỏ phiếu vào sáng 6/12 (tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), theo quy định của HĐBA.
Theo ông Churkin, HĐBA cần thêm thời gian để xem xét hoàn cảnh mới ở Syria và để đạt được đồng thuận về một nghị quyết có thể giúp cải thiện tình hình nhân quyền tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt là Aleppo. Theo Nga, dự thảo này sẽ tạo điều kiện cho phiến quân tái hợp lực lượng. Moscow cho rằng cần có thời gian để Nga và Mỹ thương lượng.
Dự thảo nghị quyết do Ai Cập, New Zealand và Tây Ban Nha - nước đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên tháng 12 của HĐBA - xây dựng, kêu gọi thực hiện một cuộc ngừng bắn có thời hạn ít nhất 7 ngày. Trong khi Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ - muốn một thỏa thuận ngừng bắn có thời hạn 24 giờ có thể được gia hạn và không áp dụng đối với nhóm phiến quân mang tên Mặt trận Al-Nusra.
Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo quốc tế, gần 400 dân thường đã thiệt mạng tại thành phố Aleppo từ ngày 15/11, sau khi lực lượng Chính phủ Syria tiến hành các cuộc tấn công nhằm giải phóng khu vực miền Đông thành phố đang nằm trong tay phiến quân. Mặc dù Nga và Syria đã một vài lần ngừng bắn để lực lượng phiến quân ra đầu hàng nhưng các tay súng vẫn tiếp tục cố thủ ở khu vực phía Đông Aleppo. Ước tính, mới chỉ có hơn 50.000 người được sơ tán trong tổng số 250.000 người dân mắc kẹt ở thành phố này.