📞

Nga tuyên bố không giống Mỹ, không thử cũng không sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung

06:23 | 13/09/2019
TGVN. Ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, nước này không giống Mỹ, không thử và cũng không sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Nga tuyên bố không giống Mỹ, không thử cũng không sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung. (Nguồn: Getty)

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Nga không thử và cũng không trang bị tên lửa tầm ngắn và tầm trung như Mỹ". Moscow hy vọng có được đảm bảo từ các nước phương Tây về việc không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ những nước này.

Trước đó, hôm 11/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg phát biểu với mạng truyền hình Euronews rằng, trong bối cảnh Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kết thúc, Nga đang triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại châu Âu.

Về chiến tranh hạt nhân, ngày 12/9, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov cho rằng, nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra trong đương đại là hiện hữu do chính sách của một số nước phương Tây.

Ông nêu rõ: "Họ (các nhà ngoại giao phương Tây) tránh thảo luận về các vấn đề cấp bách, ngăn chặn các kênh đối thoại, tiếp tục hủy hoại cấu trúc kiểm soát vũ khí, cố tình vạch ra đường lối phá hủy để loại bỏ các cơ chế hiệp ước hiệu quả trong lĩnh vực an ninh và ổn định, đã phát triển qua nhiều thập kỷ”.

Theo nhà ngoại giao Nga, ổn định chiến lược cần tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc tế. Ngoài ra, sự ổn định này còn bao hàm trạng thái mà trong đó các cường quốc hạt nhân cần ngăn chặn các hành động có thể dẫn đến sự mất cân bằng nguy hiểm trong răn đe hạt nhân hoặc làm tăng nguy cơ chiến tranh.

Ông Ryabkov cho rằng, Mỹ đã ngoan cố trốn tránh cuộc thảo luận về cách tiếp cận đa phương trong kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược. Mặt khác, cần tính đến khả năng hạt nhân của Anh, Pháp và Mỹ, các đồng minh trong NATO. Việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới), hết hạn vào năm 2021, sẽ cho phép có thêm thời gian để xác định lại toàn bộ cơ cấu kiểm soát vũ khí tên lửa hạt nhân.

Ông Ryabkov cho biết, Nga không loại trừ khả năng Mỹ đã xúc tiến con đường hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và Nga không tin hệ thống các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đã đánh mất sự liên quan. Moscow vẫn tin vào sự sẵn sàng của Washington trong việc nối lại các cuộc đàm phán chính thức về đảm bảo sự ổn định chiến lược và an ninh toàn cầu.

(theo Sputnik, TASS)