📞

Nga - Ukraine ăn miếng trả miếng: Càng đánh Kiev càng đau

10:16 | 22/04/2019
Người đứng đầu tập đoàn dầu khí Naftogaz của Ukraine Andrei Kobolev cho rằng, Nga hoàn toàn có thể ngừng quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine để gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu.     

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình TSN của Ukraine, ông Andrei Kobolev tuyên bố khá chắc chắn rằng: “Cuộc khủng hoảng khí đốt là công cụ chủ yếu sẽ được Nga sử dụng trong những tình huống như vậy. Điều quan trọng là Ukraine nên chuẩn bị cho mùa Đông năm nay đến mức tối đa, để chúng ta có thêm lượng dự trữ khí đốt”.

Kịch bản chỉ Mỹ có lợi

Ông Kobolev lưu ý rằng, để ngăn chặn một kịch bản như vậy, cần phải tích lũy 20 tỷ m³ khí đốt. Ông nói thêm rằng, nhiệm vụ này có thể được thực hiện về mặt kỹ thuật, nhưng tập đoàn này vẫn chưa tìm được nguồn tài trợ cho việc bơm khối lượng lớn như vậy.

Người đứng đầu Naftogaz cũng nói rằng, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không thể được đưa vào vận hành đúng thời hạn ngày 1/1/2020. Vì lý do này, theo lời ông, Nga đang cố gắng "gây ra" một cuộc khủng hoảng khí đốt mới.

Nga có thể sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để gây ra một cuộc khủng hoảng khí đốt mới. (Nguồn: Caspiannews)

Chuyên gia Igor Yushkov từ Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga và là nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia, nói: “Trong khi cả Nga và châu Âu đều chủ trương ký kết một thỏa thuận tại cuộc đàm phán ba bên, thì Kiev ngày càng thường xuyên tuyên bố rằng, họ không có ý định ký kết bất cứ văn kiện và phải chuẩn bị cho việc ngừng quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine. Điều này cho thấy rằng, chính quyền Ukraine hiện tại cố ý giữ lập trường như vậy. Lập trường của họ chỉ có lợi cho Mỹ, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt trên thị trường. Và nếu Kiev đang ngăn chặn việc ký kết một hợp đồng mới thì điều đó chắc sẽ được người Mỹ hoan nghênh. Khí đốt sẽ được bán với mức giá cao hơn trên thị trường châu Âu và các nhà cung cấp khí hóa lỏng của Mỹ sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn khi xuất khẩu khí đốt cho châu Âu”.

Trên thực tế, Ukraine cũng được hưởng lợi từ việc quá cảnh khí đốt. Ông Igor Yushkov nhận định: “Từ quan điểm kinh tế, Ukraine cần đến hệ thống quá cảnh khí đốt. Bởi vì nếu ngừng quá cảnh khí đốt thì sẽ không có tiền phí trung chuyển khí đốt và quan trọng nhất là Ukraine sẽ không có khả năng sử dụng các tuyến đường ống của Slovakia, Ba Lan và Hungary để cung cấp khí đốt ngược trở lại Ukraine, vì trong các đường ống đó chỉ đơn giản là sẽ không có một chút khí đốt".

Vì vậy, theo vị chuyên gia Nga Yushkov, trong chuyện này, ảnh hưởng của nước thứ ba là rất lớn. Ông bày tỏ hy vọng rằng, sau vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 21/4, thành phần ban lãnh đạo của Bộ Năng lượng và Naftogaz sẽ thay đổi và những người mới sẽ giữ lập trường mang tính xây dựng hơn.

“Thêm đòn đau đớn”

Trong một diễn biến mới đây, ngày 18/4 tại phiên họp chính phủ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo đã ký quyết định cấm xuất khẩu than, dầu thô và các sản phẩm dầu thô sang Ukraine. Theo Interfax, lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới và những công ty hay doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu các mặt hàng trên sang Ukraine đều sẽ buộc phải có một giấy phép đặc biệt. Đây là biện pháp đáp trả động thái mở rộng danh sách hàng hóa Nga bị cấm nhập khẩu vào Ukraine mà Kiev vừa thực hiện.

Trong cuộc họp chính phủ mới đây về phản ứng của Moscow đối với các hạn chế do Kiev áp đặt, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh, Nội các Ukraine đã có một bước không thân thiện đối với đất nước chúng ta, mở rộng danh sách hàng hóa Nga bị cấm nhập khẩu vào Ukraine. Trong bối cảnh này, chúng ta buộc phải tự bảo vệ mình và thực hiện các biện pháp trả đũa.”

Trong các biện pháp đáp trả lần này, Nga cũng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm chế tạo kỹ thuật, công nghiệp nhẹ, luyện kim của Ukraine. Những mặt hàng này có tổng giá trị nhập khẩu vào Nga năm 2018 đạt khoảng 250 triệu USD. Động thái trên của Moscow được đưa ra sau khi Kiev đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ Nga, trong đó có các sản phẩm thủy tinh và thiết bị điện.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine căng thẳng từ năm 2014 sau cuộc chính biến thay đổi chính quyền và vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga. Tuy nhiên, theo thông tin hồi tháng 2/2019 của cựu Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov, Nga vẫn là đối tác thương mại chính của Ukraine, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 14 tỷ USD. Theo đánh giá sơ bộ, do khủng hoảng quan hệ với Nga, mỗi năm Ukraine mất đi gần một nửa nguồn thu từ xuất khẩu, tức là khoảng 20 tỷ USD trong 5 năm.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko. (Nguồn: Getty Image)

Đây cũng không phải lần đầu tiên hai nước Nga - Ukraine tung đòn ăn miếng, trả miếng nhằm vào đối phương. Nhưng theo lời các chuyên gia, các lệnh cấm vận mới được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Nga. Nhà phân tích Nga Sergey Suverov cho rằng, trong vài năm qua, lượng hàng hóa Nga xuất khẩu sang nước láng giềng đã giảm đáng kể, bởi vậy, đòn đáp trả tiếp theo (nếu có) của Kiev cũng không thể đủ sức gây ảnh hưởng đến kinh tế Nga.

Theo chuyên gia này, trong trường hợp Nga cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ sang Ukraine, thì họ có thể tăng cường xuất khẩu năng lượng sang các nước châu Âu để bù vào phần doanh thu bị hụt. Hơn nữa, các công ty năng lượng Nga hiện nay đang tích cực tìm kiếm những chiến lược mới để mở rộng thêm thị trường tại châu Á và Kazakhstan.

Ngược lại, "Ukraine sẽ thiệt thòi hơn Nga khi lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt bắt đầu có hiệu lực. Họ sẽ buộc phải mua gián tiếp dầu mỏ của Nga từ các nước khác với giá đắt hơn và chắc chắn là điều đó sẽ khiến nhiên liệu tại Ukraine tăng giá, trở thành gánh nặng mới trong ngân sách của họ", một nhà phân tích khác đến từ Viện FinIst - bà Irina Lanis bình luận.

Quyết định của chính phủ Nga đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều chính khách và chuyên gia của nước này. Ông Oleg Morozov, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga nhận định: "Cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn là đối tác thương mại số 1 của Kiev, nhưng Kiev dường như không muốn là nhà cung cấp được ưu tiên của Nga". Việc Nga cấm xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ sẽ là "một đòn đau đớn" đối với nền kinh tế của Ukraine.

(theo Sputnik)