📞

Nga-Ukraine: Để chiến thắng, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng ‘trả giá đắt’? Moscow thì không

Minh Anh 16:00 | 15/07/2022
Nền kinh tế Nga vẫn ổn một cách đáng ngạc nhiên trước “loạt đòn trừng phạt” từ phương Tây. Đối phương muốn “huyết mạch” kinh tế Nga tê liệt, Tổng thống Putin lại càng tăng cường sức chống chịu để tiếp tục trong cuộc đối đầu dài hơi?
Nga-Ukraine: Để chiến thắng, phương Tây chưa sẵn sàng ‘trả giá đắt’, Nga thì không. Trong ảnh: Các kỹ thuật viên làm việc tại một nhà máy trực thăng ở Kazan, Tây Nam nước Nga, bên bờ sông Volga và sông Kazanka. (Nguồn: Getty Inmages)

"Nuôi quân" chờ thời

Nga đang tiếp tục củng cố nền kinh tế để sẵn sàng cho một cuộc xung đột dài hơn ở Ukraine?

Đặt ra mục tiêu không chịu khuất phục trước các áp lực trừng phạt, Moscow đang tính tăng cường kiểm soát nền kinh tế nhằm hỗ trợ các hoạt động quân sự, cũng như cho phép chính phủ ban hành các biện pháp kinh tế đặc biệt với các doanh nghiệp và cá nhân, trong bối cảnh Moscow đặt mục tiêu sẵn sàng đối đầu trước mọi áp lực trừng phạt.

Nga sẽ trao cho nhà nước quyền kiểm soát nhiều hơn đối với doanh nghiệp tư nhân và người lao động nhằm đặt nền kinh tế vào một vị trí vững chắc hơn trong cuộc xung đột địa chính trị, kinh tế hiện tại, báo hiệu rằng, nước này đang chuẩn bị cho chặng đường dài trong cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Các dự luật mới được đề xuất nhằm mục đích cụ thể là hỗ trợ quân đội và đáp ứng các "nhu cầu gia tăng trong ngắn hạn đối với việc sửa chữa vũ khí và thiết bị quân sự", theo một ghi chú đính kèm với các dự luật đã được Hạ viện Nga thông qua ngày 6/7.

Động thái mới của Moscow phản ánh thực tế rằng, mục tiêu về một chiến thắng nhanh chóng của chiến dịch quân sự đặc biện mà nước này tiến hành tại Ukraine đã không đạt được.

Chiến dịch quân sự đã trở thành một cuộc xung đột tiêu hao nhiều nguồn lực và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây được dự đoán sẽ gây thiệt hại không hề nhẹ cho nền kinh tế Nga.

"Nga đã tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt trong hơn 4 tháng qua, quân đội Nga đang cần được hỗ trợ, giữa lúc nền kinh tế phải chịu "áp lực trừng phạt khổng lồ" từ phương Tây", Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết.

Phát biểu trong cuộc thảo luận về dự luật trên tại Hạ viện mới đây, ông Yuri Borisov cho biết rõ: “Gánh nặng đối với tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga đã tăng lên đáng kể. Để đảm bảo cung cấp vũ khí và đạn dược, cần phải tối ưu hóa công việc của tổ hợp công nghiệp-quốc phòng và các doanh nghiệp hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng”.

Dự luật đầu tiên đã được thông qua lần thứ hai tại Hạ viện, sẽ cho phép chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các hợp đồng quốc phòng của nhà nước, đồng thời trao cho Bộ quốc phòng và các cơ quan khác quyền thay đổi các điều khoản hợp đồng.

Theo đó, sẽ cho phép các cơ quan chức năng, có thể buộc một nhà máy chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu quân sự và kiểm soát lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Borisov cho biết: "các biện pháp chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp đã có trong danh sách các nhà cung cấp trong lĩnh vực quốc phòng. Các dự luật không quy định bắt buộc chuyển đổi đối với doanh nghiệp dân sự nhỏ và vừa vì nhu cầu của các lực lượng vũ trang".

Các dự luật này sau khi được Hạ viện Nga bỏ phiếu thông qua vòng cuối, sẽ được gửi lên Thượng viện và phải được Thượng viện thông qua, mới được trình lên Tổng thống Vladimir Putin để ký thành luật. Các biện pháp mới là "đặc biệt" cần thiết để vượt qua các lệnh trừng phạt, phần giải thích của dự luật nêu rõ.

Giá dầu và khí đốt xuất khẩu cao hơn cho đến nay đã làm giảm tác dụng của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga và mang lại cho Điện Kremlin nguồn thu mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế và các lực lượng vũ trang.

Nhưng tác động của các lệnh trừng phạt được dự đoán sẽ tăng lên khi các đồng minh của Ukraine ngày càng áp dụng các chính sách cắt giảm năng lượng từ Nga. Tổng thống Putin cũng đã công bố các biện pháp cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân.

“Họ đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”, Elina Ribakova, Phó kinh tế gia trưởng thuộc Viện Tài chính quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo. "Chẳng bao lâu nữa, tất cả các khoản thu này có thể hết".

Bộ Tài chính Nga mới đây đề xuất cắt giảm chi tiêu trong một số lĩnh vực - bao gồm cả ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông, khoa học và công nghệ - trong 3 năm tới là 1,6 nghìn tỷ Ruble (khoảng 25 tỷ USD), theo báo Vedomosti.

Moscow cũng có kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu cho phúc lợi xã hội, từ 936 tỷ Ruble lên 3,4 tỷ Ruble chỉ trong năm tới.

Báo cáo trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tài chính giấu tên nói rằng, về tổng thể, những thay đổi thể hiện sự “cân đối” của ngân sách liên bang tập trung chi cho những lĩnh vực quan trọng nhất.

Nếu dòng Nord Stream 1 không trở lại...

Trong tư thế sẵn sàng đối đầu của Nga, dường như ở phía bên kia, tình hình có vẻ không được chủ động như vậy. Cùng với thông báo tiến hành bảo trì thường niên đường ống Nord Stream 1 từ ngày 11 đến 21/7 của Moscow là sự lo lắng của châu Âu.

Giới phân tích dự báo, nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, mà cụ thể nhất là đường ống Nord Stream 1 không trở lại sau khi hoàn tất kỳ bảo trì, kinh tế liên minh châu Âu (EU) sẽ điêu đứng và cụ thể là có thể giảm ngay 8,3% trong quý III và 7% trong quý IV.

Đà giảm còn duy trì sang năm sau, với mức 0,9% trong quý I và nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro là Đức sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, theo ước tính của UBS.

Ngân hàng Trung ương của Đức ước tính, nếu viễn cảnh dòng khí từ Nord Stream 1 không trở lại, việc phân bổ khí đốt sẽ khiến nền kinh tế nước này giảm 3,25% từ quý III/2022 đến quý II/2023.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt/năm.

Hiện dự trữ khí đốt của châu Âu đạt 59,09%. Trong trường hợp xấu nhất, khi Nord Stream 1 ngừng xuất khẩu hoàn toàn sau đợt bảo trì vào ngày 21/7, mức dự trữ của EU sẽ chỉ đạt khoảng 65% trước mùa Đông, tạo ra nguy cơ có thực rằng, châu lục này có thể hết khí đốt trong mùa cần phải sưởi ấm và đẩy giá khí đốt tiếp tục tăng vọt, theo tính toán của Tạp chí World Pipelines (Anh).

Theo Euronews, an ninh năng lượng đã trở thành một mối nguy hiểm hiện hữu với châu Âu. Mối đe dọa về việc cắt giảm toàn bộ năng lượng của Nga gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái sâu trên toàn châu lục, buộc một số chính phủ phải chọn giải pháp phân bổ khí đốt theo các thứ tự ưu tiên.

Với nền kinh tế Anh, dù chỉ mua một phần nhỏ khí đốt từ Nga và cũng không còn thuộc Liên minh châu Âu, nhưng cũng không thoát khỏi tác động. Các chuyên gia cho rằng, giá khí đốt dâng cao trên khắp châu Âu vẫn có thể sẽ gây thêm những khó khăn vốn đã làm nền kinh tế Vương quốc Anh chậm lại đáng kể.

Một số mặt hàng thiết yếu như khí đốt, nước và thực phẩm bất ngờ trở thành "các mặt hàng xa xỉ" bởi tiềm năng tăng giá chóng mặt. GDP tháng 5 của Anh dù tăng 0,5% so với tháng 4, nhưng phần lớn nhờ sự mở cửa trở lại các dịch vụ y tế do nhà nước quản lý, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh.

Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) cho đến nay đã tránh đưa ra bất kỳ dự báo rõ ràng nào về một cuộc suy thoái sắp xảy ra, các nhà đầu tư đã giả định khả năng này là có thật. Dấu hiệu trước mắt là đồng Euro lần đầu tiên ngang giá USD trong 20 năm. Các nhà phân tích không loại trừ việc giá trị của đồng tiền chung này sẽ tiếp tục giảm.

(theo FT, WSJ)