Nga và Ai Cập cân nhắc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại. (Ảnh minh họa) |
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sada El-Balad, Đại sứ Georgy Borisenko giải thích rằng Nga sẽ sử dụng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng Ruble hoặc đồng Bảng Ai Cập) với Ai Cập, tương tự như trong trao đổi thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS).
Nga đã thúc đẩy hệ thống SPFS thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT theo lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow do cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng Hai vừa qua.
Nga cũng đang cố gắng mở rộng số lượng các quốc gia cho phép người Nga thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ thanh toán Mir, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2014, sau khi các công ty thanh toán Visa Inc và Mastercard có trụ sở tại Mỹ ngừng hoạt động tại Nga.
Hiện tại, thẻ thanh toán quốc tế Mir của Nga đã được chấp nhận ở 10 nước, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Uzbekistan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan...
Đối với Nga, một đồng Ruble có giá trị cao hơn không chỉ mang lại nhiều tiền mặt hơn mà còn là một vấn đề đáng tự hào khi các quốc gia giao dịch sẵn sàng thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền của Nga.
Một lượng đồng Ruble lớn hơn, được tạo ra từ nhu cầu của các nước và công ty nước ngoài với hàng hóa Nga, sẽ cho phép Nga thách thức sự thống trị của Mỹ bằng đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu.