📞

Nga xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với Ấn Độ

Hồng Phúc 14:10 | 01/04/2023
Trong khái niệm chính sách đối ngoại quốc gia cập nhật của Nga, mối quan hệ với Trung Quốc được đề cập ngang hàng với Ấn Độ.
Trong khái niệm mới về chính sách đối ngoại, Nga cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và công nghệ với Ấn Độ. (Nguồn: Kitco)

Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh, phê duyệt khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Moscow, trong đó ca ngợi mối quan hệ với Ấn Độ.

Trong tài liệu, Nga nhấn mạnh rằng sẽ "xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền với Ấn Độ, nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trong mọi lĩnh vực, trên cơ sở cùng có lợi".

Moscow "đặc biệt chú trọng" đến việc tăng khối lượng thương mại song phương với New Delhi, tăng cường đầu tư và công nghệ, đồng thời đảm bảo khả năng chống lại các hành động phá hoại của "các quốc gia không thân thiện cùng các liên minh".

Ấn Độ cũng được đề cập liên quan đến các tổ chức khu vực và quốc tế. Để điều chỉnh trật tự thế giới cho phù hợp với thực tế của một “thế giới đa cực, Nga dự định ưu tiên tăng cường năng lực và vai trò quốc tế của nhóm BRICS, SCO, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên minh kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) cùng các hiệp hội liên quốc gia và tổ chức quốc tế khác, cũng như các cơ chế có sự tham gia mạnh mẽ của Nga”.

Khái niệm chính sách đối ngoại quốc gia cập nhật này không dành bất kỳ đặc quyền nào cho mối quan hệ của Nga với Trung Quốc. Mối quan hệ với Bắc Kinh được đề cập ngang hàng với New Delhi.

Tài liệu cũng không nhắc tới Pakistan, mặc dù Moscow và Islamabad có nhiều nỗ lực hâm nóng quan hệ song phương thời quan qua.

Lần cuối cùng Nga sửa đổi khái niệm chính sách đối ngoại là vào năm 2016. Theo Bộ Ngoại giao Nga, nhiều điều khoản từ khái niệm cập nhật sẽ xác định đường lối chính sách đối ngoại của Moscow “trong 4-6 năm tới”.

(theo The Hindu)