Hè về là lúc hoa bằng lăng, hoa phượng, muồng hoàng yến, hoa điệp, tường vi... nở rộ khắp các con phố, "dệt" nên bức tranh sắc màu rực rỡ cho Hà Nội. (Ảnh: Diệu Linh)
Từ tháng 5, hoa bằng lăng bắt đầu nở rộ. Những tuyến đường như Kim Mã, Văn Cao, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Quốc Việt, Trần Thái Tông, Duy Tân, Đào Tấn, Kim Mã, Nguyễn Chánh, hồ Hoàng Cầu, hồ Gươm... rợp màu tím của loài hoa này, tạo nên cảnh sắc cực kỳ ấn tượng. Trong ảnh, hoa bằng lăng "nhuộm tím" đường Đào Tấn. (Nguồn: Nhân dân)
Cánh hoa mỏng, nhẹ như xác pháo, thường có màu tím, đỏ hồng, trắng nhạt. Phổ biến nhất với người dân Thủ đô vẫn là sắc tím biếc xen lẫn nhụy vàng. (Ảnh: Thành Châu)
Những ngày này, người dân Thủ đô có thể bắt gặp sắc tím "mộng mơ" xen kẽ sắc trắng mỏng manh, nhẹ nhàng của cây bằng lăng ở bất cứ đâu. (Ảnh: Diệu Linh)
Bên cạnh sắc tím của bằng lăng là màu vàng của muồng hoàng yến. Dưới cái nắng chói chang của mùa Hè, những chùm hoa muồng hoàng yến càng thêm rực rỡ. (Ảnh: Diệu Linh)
Muồng hoàng yến còn có tên là muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn, bò cạp nước, bò cạp vàng, Osaka, mai dây, cây xuân muộn, mai nở muộn... (Ảnh: Diệu Linh)
Muồng hoàng yến được trồng nhiều tại các tuyến phố của Hà Nội như đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Huyên, Dương Quảng Hàm, Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài... (Ảnh: Diệu Linh)
Hoa muồng hoàng yến mọc thành những chùm lớn và rủ dài xuống, chiều dài của chùm hoa khoảng từ 25 đến 40cm. Mỗi bông có 5 cánh hình bầu dục đều nhau, bên trên có phủ một lớp lông nhung mượt. (Ảnh: Diệu Linh)
Phố phường Hà Nội được “tô điểm” sắc màu của muôn vàn loài hoa. Một chút thơ mộng, lãng mạn của bằng lăng tím, sắc đỏ rực của hoa phượng và những góc phố, khu nhà nhẹ nhàng với hoa giấy. (Ảnh: NMT)
Ở Hà Nội, hoa giấy được trồng khắp mọi nơi như công viên, trường học, bệnh viện, các cơ quan, dải phân cách, vỉa hè... (Ảnh: Diệu Linh)
Dẫu không tỏa hương, nhưng vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn, nhưng không kém phần rực rỡ đã giúp hoa giấy được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Diệu Linh)
Sắc hồng của hoa giấy cùng sắc vàng của muồng hoàng yến như một nét "chấm phá" đặc biệt giữa không gian xanh. (Ảnh: NMT)
Nếu như bằng lăng mang đến sắc tím lãng mạn, muồng hoàng yến với sắc vàng rực rỡ, hoa giấy thoáng chút dịu dàng, thì hoa phượng lại như thắp lửa trên từng góc phố của Thủ đô, tạo điểm nhấn ấn tượng mỗi khi Hè về. (Ảnh: Diệu Linh)
Cánh hoa của phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ cam, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, lốm đốm màu trắng. Phượng vĩ nở thành từng chùm, gợi lên sự xao xuyến, bâng khuâng, nhắc bao thế hệ học trò nhớ tới kỷ niệm mùa chia tay trường lớp. (Ảnh: Thành Châu)
Dọc theo các tuyến phố, hoa phượng bung nở nổi bật, như “thắp lửa” bầu trời, tô điểm cho nét rạng rỡ của Thủ đô. (Ảnh: Diệu Linh)
Điệp vàng ra hoa cùng thời gian với phượng đỏ, bằng lăng tím, muồng hoàng yến là bộ bốn loài hoa mùa Hè tạo nên những khung hình đầy sắc màu trên khắp đường phố Hà Nội. (Ảnh: Diệu Linh)
Điệp vàng là giống cây có sức phát triển mạnh mẽ, có thể cao từ 10 - 15 mét với tán rộng nên thường được trồng làm đẹp cảnh quan đô thị và lấy bóng mát. (Nguồn: Tổ quốc)
Sang tháng 6, những nụ hoa tường vi chúm chím cũng dần nở rộ. Mọc thành các chùm lớn, hoa tường vi hướng lên cao, bung nở cánh hoa mỏng manh sắc hồng đung đưa trong gió tựa như “nàng thơ” dịu dàng của mùa Hạ. Đây cũng là thời điểm nhiều con đường hoa tường vi thu hút bạn trẻ Thủ đô đến thưởng ngoạn và chụp ảnh. (Ảnh: Thành Châu)
Hoa tường vi có nguồn gốc từ vùng Đông Á thuộc cây thân gỗ, phân cành nhiều nhánh và nở hoa từ đầu hè đến cuối thu. (Ảnh: Thành Châu)
Hoa tường vi ở Hà Nội có thời gian nở kéo dài từ 2-3 tháng nếu được trồng thành quần thể. Nếu trồng đơn lẻ, hoa sẽ nở trong khoảng 1,5 tháng. (Ảnh: Thành Châu)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.