📞

Ngẫm về 2% GDP chi tiêu cho quốc phòng của NATO

Đình Thanh 07:15 | 28/06/2022
Đến hẹn lại lên, khi Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra (lần này được tổ chức ở Madrid vào 29-30/6), cuộc tranh luận về việc các đồng minh có chi tiêu quá ít cho quốc phòng lại được nhắc đến.
Quốc kỳ các nước thành viên NATO bên ngoài trụ sở của khối ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, trong bài viết chung trên Foreign Policy, bà Kathleen McInnis - thành viên cấp cao trong Chương trình An ninh quốc tế (thuộc Mỹ) và ông Daniel Fata - cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng NATO có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết hơn là tranh cãi về con số này.

Năm 2006, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã cam kết chi ít nhất 2% GDP của quốc gia cho quốc phòng. Cam kết được tái khẳng định vào 2014 ở xứ Wales, khi các quốc gia châu Âu đầu tư nhỏ giọt cho quân đội, trong khi Mỹ chi tiêu hơn 3% GDP mỗi năm.

Washington luôn phàn nàn vì phải gánh phần lớn chi phí liên quan đến việc đảm bảo an ninh cho châu Âu. Vì lẽ này, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng muốn rút Mỹ khỏi NATO.

Việc NATO đồng ý với mục tiêu chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng là một thành tích đáng khen ngợi. Nhưng nếu khăng khăng giữ mục tiêu 2%, theo chuyên gia Kathleen McInnis, là vừa không đủ vừa phản tác dụng về mặt chiến lược. Điều quan trọng cần bàn là 2% đó được chi tiêu như thế nào.

Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đang phơi bày sự chênh lệch về công nghệ quân sự và năng lực chiến đấu giữa đôi bên. Tuy nhiên, không có câu hỏi nào rằng cần xem lại các khoản đầu tư quốc phòng, trong đó có những khoản đầu tư cần thiết để bảo vệ lãnh thổ mạnh mẽ hơn, bao gồm phòng thủ hàng hải và phòng không, nhất là khi biên giới phía Đông Bắc NATO sắp được mở rộng.

Cũng cần phải tính đến các khía cạnh phi quân sự trong nhu cầu an ninh đương đại. Theo chuyên gia Daniel Fata, các động lực kinh tế và chính trị cực kỳ quan trọng đối với an ninh của một quốc gia, và theo công chúng ở các quốc gia NATO, nó còn quan trọng hơn khả năng quân sự.

NATO có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết hơn là tranh cãi về con số 2%...

Năng lực và kinh nghiệm rất quan trọng nhưng điều này không được các quốc gia châu Âu phản ánh đầy đủ trong ngân sách quốc phòng. Có thể nói đây là lý do tại sao Điều 2 của NATO tồn tại: để nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế và chính trị phải củng cố cho các cam kết liên minh quân sự.

Việc không xem xét các khía cạnh an ninh của các khoản đầu tư thương mại có thể có tác động tiêu cực đến liên minh, ví dụ trường hợp gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei được đầu tư ở nhiều nước thuộc NATO.

Nhóm họp tại Madrid vào cuối tháng này, NATO sẽ thông qua “khái niệm chiến lược” mới - tài liệu thể hiện tầm nhìn của liên minh. Để biến khái niệm đó thành một thực tế chính trị có ý nghĩa và bền vững, liên minh sẽ còn phải trao đổi, hiệu chỉnh lại việc chia sẻ gánh nặng.

Tuy nhiên, theo hai chuyên gia Kathleen McInnis và Daniel Fata, chỉ tập trung vào mức USD và Euro đã chi tiêu, NATO sẽ bỏ lỡ những mục tiêu lớn hơn, khi cuộc chiến Ukraine có khả năng kéo dài.